Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang trở nên ngày càng phức tạp với số ca nhiễm biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) tăng mạnh.
Tại Mỹ, giới chức cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ sớm trở thành biến thể chủ yếu ở nước này. Thống kê của trang covSpectrum cho thấy, biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh và hiện chiếm 35,6% số ca mắc trong 2 tuần qua.
Giới chuyên gia cảnh báo, những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta dễ lây lan.
Theo nghiên cứu của Anh, vaccine của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong phòng ngừa biến thể Delta nếu tiêm đủ 2 liều, nhưng nếu tiêm một liều chỉ đạt hiệu quả 33%.
Tại Cuba, ngày 29/6,nước này ghi nhận 3.080 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện dịch đang lây nhiễm mạnh tại các tỉnh ngoài Havana. Đến nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 184.943 ca mắc, trong đó 1.254 người tử vong.
Cùng ngày, Cuba thông báo đã bắt đầu triển khai tiêm ứng cử viên vaccine ngừa Covid-19 Soberana 02 cho 25 trẻ em trong độ tuổi từ 3-11 là tình nguyện viên tham gia giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này.
Hiện ứng cử viên vaccine Soberana 02 đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng với người trưởng thành và đã được chứng minh đạt hiệu quả 62% sau khi tiếp nhận 2 trong số 3 mũi tiêm. Mũi tiêm cuối cùng có tên là Soberana Plus.
* Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 652 ca tử vong trong ngày 29/6, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca thiệt mạng lên tới 134.545 trường hợp. Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta làm gia tăng số ca nhiễm ở Nga.
Nga cũng ghi nhận thêm 20.616 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 5.493.557 ca.
Tương tự, Pháp thông báo biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca mắc mới Covid-19 tại nước này, tăng so với tỷ lệ 9-10% số ca mắc được ước tính vào tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo, tương tự các quốc gia khác trên thế giới, biến thể Delta đang dần trở nên áp đảo tại nước này vì đặc tính dễ lây lan hơn so với các biến thể khác.
Đức cũng cho biết, các ca mắc mới biến thể Delta tăng hơn gấp đôi trong hơn một tuần qua. Việc biến thể mới này lây lan mạnh trên thế giới đã khiến một số quốc gia buộc phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đi lại.
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tạm dừng các chuyến bay và tất cả các chuyến bay thẳng từ Bangladesh, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka do sự bùng phát dịch Covid-19 liên quan đến các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Bộ Y tế CH Czech đã bổ sung Nga, Tunisia, Paraguay và Namibia vào danh sách cấm hoạt động đi lại không cần thiết do số ca nhiễm mới gia tăng cũng như sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 ở các nước này.
* Tại châu Á, tình hình dịch bệnh ở Indonesia diễn biến phức tạp hơn, trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đang đối mặt với làn sóng lây lan thứ hai do biến thể Delta.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cảnh báo, sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây do biến thể Delta đang đẩy Indonesia bên bờ vực của một "thảm họa", các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Indonesia có kế hoạch áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3/7 tới tại các đảo Java và Bali. Chính phủ hiện đang xây dựng các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt hơn và dự kiến công bố thông báo chính thức vào ngày 1/7.
Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 ở khu vực Đông Nam Á với 2.156.465 ca mắc, trong đó có 58.024 ca tử vong.
Nước láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng có thêm 6.437 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 745.703 ca.
Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong một lần nữa nhấn mạnh, Quốc hội cần sớm được triệu tập trở lại để thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp và Luật Khẩn cấp.
Tình hình dịch bệnh tại Philippines cũng tương tự với 4.479 ca mắc mới và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.408.058 ca và 24.557 ca tử vong.
Chính phủ đã quyết định kéo dài quy định hạn chế đi lại và kinh doanh ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến giữa tháng 7 tới, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở các khu vực miền Trung và miền Nam.
Tại Hàn Quốc, do lo ngại gia tăng về sự lây lan của biến thể Delta, Trung tâm an toàn và đối phó với thảm họa (CDSCH) đã công bố danh sách 21 quốc gia không được miễn cách ly 14 ngày, kể cả khi người nhập cảnh đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, trong số đó có Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Philippines, Nam Phi...
Ngày 30/6, Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất trong 2 tháng trở lại đây, với 794 ca, trong đó có 759 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 156.961 trường hợp.
Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca nhiễm mới hằng ngày tăng cao nhất trong 2 tháng qua là do xuất hiện một loạt các ổ lây nhiễm tập thể ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon).
Tính đến hết tháng 6, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi một cho 15,32 triệu người (tương đương 29,8% dân số). Khoảng 9,5% (4,90 triệu người) đã tiêm đủ liều.
Chính phủ đang nỗ lực hoàn tất tiêm phòng cho khoảng 36 triệu người vào tháng 9 tới để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Ngày 30/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo một "sự cố nghiêm trọng" đã xảy ra, có thể đe dọa tới sự an toàn của người dân và đất nước trong nỗ lực chống dịch trên toàn quốc.
Theo KCNA, Triều Tiên đã cách chức một số quan chức cấp cao để xảy ra sự cố trên.
* Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) cảnh báo, việc Liên minh châu Âu (EU) không công nhận vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ sẽ gây bất lợi cho những người đã tiêm vaccine này ở châu Phi.
Theo các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, EU sẽ loại bỏ quy định kiểm dịch và xét nghiệm bổ sung đối với những du khách đã được tiêm chủng bằng các loại vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) công nhận. Du khách sẽ được cấp chứng nhận tiêm vaccine kỹ thuật số hiển thị tình trạng tiêm chủng.
Tuy nhiên, hiện EMA không công nhận Covishield, phiên bản vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ và đã được phân phối rộng rãi tại châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.
Trong một tuyên bố chung, AU cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết, điều này "có nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng" với những người được tiêm chủng ở châu Phi.
Tuyên bố nhấn mạnh, Covishield là vaccine chủ yếu trong chương trình COVAX, được EU hỗ trợ cho các chương trình tiêm chủng tại các nước thành viên AU.
Liên quan vấn đề trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/6 tuyên bố, tổ chức này sẽ trợ giúp 5 quốc gia chưa khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, gồm Burundi, Eritrea, Haiti, Triều Tiên và Tanzania, trong khi thế giới đã tiêm chủng 3 tỷ liều vaccine tính đến ngày 29/6.