Cập nhật Covid-19 ngày 31/5: Biến thể mới lan rộng ở Quảng Châu (Trung Quốc); Anh kêu gọi G7 đồng thuận về 'hộ chiếu vaccine'; ốc đảo 'an toàn' ở Brazil |
Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ với 609.544 ca tử vong trong tổng số 34.043.010 bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 28.046.957 ca nhiễm và 329.127 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16.515.120 ca nhiễm và 462.092 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã giảm 16%, trong đó châu Đại dương giảm 41%, châu Âu giảm 25%, châu Á giảm 19% và Bắc Mỹ giảm 19%/ Trong khi đó, châu Phi và Nam Mỹ là 2 khu vục duy nhất ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lần lượt ở con số 9% và 1%.
* Tại châu Mỹ, ngoài các điểm điểm nóng dịch bệnh như Brazil, Argentina hay Colombia, Chile ngày 31/5 thông báo ghi nhận số ca nhiễm tăng 21% trong 14 ngày qua bất chấp việc nước này vẫn đang đẩy nhanh công tác tiêm chủng.
Trong ngày 30/5, Chile ghi nhận 7.772 ca nhiễm mới, trong khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 2 ngày trước đó đều vượt con số 8.000 ca/ngày. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Chile hiện đã lên tới 1.377.507 ca.
Chính phủ nước này đã kêu gọi người dân tiêm chủng và tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp y tế để bảo vệ bản thân và phòng chống dịch bệnh. Đến nay, Chile đã tiêm chủng cho 52% người nằm trong diện chỉ định.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới tại nước này liên tục tăng với 80% số ca nhiễm mới là người chưa được tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cảnh báo, những người không tiêm chủng có nguy cơ nhập viện điều trị, phải chăm sóc trong phòng bệnh đặc biệt hoặc tử vong cao hơn từ 3,23 đến 4,5 lần so với người đã tiêm chủng.
Trong khi đó, thành phố Serrana, bang Sao Paulo (Đông Nam Brazil), đã ghi nhận tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 giảm 95% sau khi hầu hết người trưởng thành được tiêm chủng.
Với dân số khoảng 45.000 người, Serrana đang được đánh giá là "ốc đảo" an toàn ở Brazil, đất nước đang phải vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh khiến hơn 461.000 người tử vong, và chương trình tiêm chủng đang diễn ra chậm chạp vì thiếu vaccine.
Công ty Instituto Butantan, hãng sản xuất vaccine Coronavac do Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển, đã tiến hành một nghiên cứu tại thành phố Serrana. Kết quả cho thấy, khi chiến dịch tiêm chủng mới bắt đầu, số các ca mắc Covid-19 tăng lên, tuy nhiên sự lây lan của virus đã được kiềm chế sau khi 75% dân số được tiêm vaccine.
Sau khi chia thành phố Serrana thành 4 khu vực để tìm hiểu xem đâu là ngưỡng ngăn chặn được sự lây lan của virus, các nhà khoa học nhận thấy rằng dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát sau khi người dân tại 3 khu vực được tiêm mũi thứ hai.
Trong khi đó, Venezuela sẽ nhận 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua Chương trình COVAX kể từ tháng 7 và sẽ tìm cách nhận thêm vaccine của tập đoàn Johnson & Johnson.
Chương trình COVAX đã dành 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Venezuela vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, chính phủ đã cấm sử dụng vaccine này do lo ngại về khả năng đông máu – những lo ngại mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết là không đủ để ngừng sử dụng loại vaccine này.
* Tại châu Á
Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) hiện đang phải chạy đua với các biến thể virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ.
Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần này tại Quảng Châu, nơi ghi nhận 90% lượng khách quốc tế đến Trung Quốc mỗi ngày, bắt đầu vào ngày 21/5, đến nay đã lan rộng ra ngoài tỉnh, đến các thành phố lân cận là Phật Sơn và Mậu Minh.
Ngày 30/5, cơ quan y tế tỉnh ghi nhận 21 ca lây nhiễm tại địa phương không có triệu chứng, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 2.455 ca. Kết quả giải mã trình tự gen cho thấy toàn bộ các bệnh nhân đều nhiễm biến thể virus ở Ấn Độ.
Theo thông báo mới nhất của cơ quan y tế Quảng Châu, bắt đầu từ 22h tối nay 31/5, hành khách rời Quảng Châu phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ. Những nơi có người nhiễm bệnh đã được yêu cầu dừng tất cả các hoạt động không cần thiết.
Cùng ngày, Tổng thư ký chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) Trương Kiến Tông cho biết đã có 1,36 triệu trong tổng số 7,5 triệu người dân khu hành chính này hoàn thành tiêm chủng hai mũi vaccine phòng Covid-19.
Hong Kong bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng từ ngày 26/2. Hiện tại, khoảng 50% dân số đã được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, số còn lại tiêm vaccine của hãng Sinovac.
Để khuyến khích việc tiêm chủng, chính quyền Hong Kong đang cân nhắc cho công chức được nghỉ phép 1 ngày có lương sau mỗi mũi tiêm.
* Tại châu Âu
Ngày 30/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ mong muốn hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ đạt được một thỏa thuận về "hộ chiếu vaccine" ngừa Covid-19 và mở ra các cuộc đàm phán về một hiệp ước toàn cầu nhằm sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra các đại dịch khác trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Anh cũng nhấn mạnh rằng việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cần được thực hiện đồng đều trên toàn cầu và các nước đang phát triển cần được cung cấp vaccine càng sớm càng tốt.
Cùng ngày, Italy ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày thấp nhất trong 7 tháng qua, với 44 ca tử vong.
Quốc gia Nam Âu cũng tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ trong chương trình tiêm chủng vaccine. Hiện Italy đã sử dụng 34,2 triệu liều vaccine và có 11,8 triệu người, tương ứng 20% dân số đã tiêm đủ liều vaccine.
Để bảo vệ thành tích chống dịch, Bộ Y tế Italy quyết định gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka vốn được ban hành từ cuối tháng 4 nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của biến thể ở Ấn Độ. Lệnh cấm này không được áp dụng với công dân Italy.
Trong vài tuần qua, số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị và cần điều trị tích cực tại Pháp tiếp tục có chiều hướng giảm.
Cụ thể, số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tại khu vực chăm sóc đặc biệt trong ngày 30/5 đã giảm 35 người, còn 2.993 người, lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 ca kể từ ngày 24/1. Trong khi số bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện điều trị cũng giảm 72 người, còn 16.775 trường hợp.
Trong 24 giờ tính đến lúc công bố báo cáo, Bộ Y tế Pháp ghi nhận 8.541 ca nhiễm mới và 44 ca tử vong do Covid-19 tại các bệnh viện.
* Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp tại châu Phi, Nam Phi quyết định nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ ngày 31/5, trong bối cảnh các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đang tăng nhanh những ngày gần đây.
Trong thông điệp quốc gia, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố nước này đang chuẩn bị bước vào làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 3 và việc nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 với nhiều quy định hạn chế giao tiếp xã hội khắt khe hơn là điều cần thiết.
Kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 5/3/2020 đến nay, quốc gia cực Nam châu Phi này đã có 1.659.070 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 56.363 người đã tử vong.
Cùng ngày, Kenya thông báo sẽ kéo dài thời gian giới nghiêm thêm 60 ngày và duy trì lệnh cấm tất cả các cuộc tụ tập chính trị do những rủi ro từ các biến thể mới của SARS-CoV-2 gây ra.
Kenya đã ghi nhận số ca nhiễm mới sụt giảm trên toàn quốc trong hai tuần qua, tuy nhiên lại phát hiện sự xuất hiện của các biến thể mới ở các ổ dịch ở phía Tây nước này.
Cơ quan chức năng Kenya 30/5 xác nhận các biến thể có nguồn gốc từ Ấn Độ, Anh và Nam Phi đã được phát hiện trong 39 mẫu lấy gần đây từ những người Kenya chưa từng đi du lịch nước ngoài. Do đó, Kenya có thể phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4 vào tháng 7 tới.
Hiện Kenya đã tăng gấp đôi nỗ lực để có thêm số lượng vaccine mới, qua đó đảm bảo thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào tháng 6/2022.
Theo số liệu thống kê, hiện Kenya đã ghi nhận tổng cộng 170.647 trường hợp mắc Covid-19 và 3.157 ca tử vong, trong đó riêng 24 giờ qua có 162 trường hợp mắc bệnh và 16 ca tử vong.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |