📞

Cập nhật Covid-19 ngày 5/7: Thế giới tiệm cận 4 triệu ca tử vong; châu Á có số ca nhiễm cao nhất thế giới; Tổng thống Mỹ phát cảnh báo

Việt Hà 12:02 | 05/07/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 184,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó, số ca tử vong đã xấp xỉ 4 triệu người và hơn 168,9 triệu bệnh nhân bình phục.
Các công nhân làm dịch vụ tang lễ mệt mỏi nằm nghỉ tại một nghĩa trang dành riêng cho các nạn nhân Covid-19 ở Bandung, Indonesia khi số ca mắc và tử vong do dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á tăng cao. (Nguồn: Getty)

Tính theo khu vực, châu Á đang là lục địa dẫn đầu thế giới về số ca mắc Covid-19, với hơn 56,3 triệu ca mắc và 800.442 ca tử vong.

Đứng thứ hai là châu Âu với hơn 48,2 triệu ca mắc, trong đó có 1.106.375 ca tử vong, tiếp đó là Bắc Mỹ với khoảng 40,7 triệu ca mắc và 920.598 ca thiệt mạng.

Nam Mỹ đứng thứ tư với hơn 33,27 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.017.454 ca tử vong. Châu Phi hiện ghi nhận khoảng 5,7 triệu ca nhiễm với 145.951 trường hợp không qua khỏi.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 327.857 ca mắc mới, trong đó có 6.007 ca tử vong. Châu Á là khu vực ghi nhận số ca mắc mới và tử vong nhiều nhất, với 146.241 ca với 2.313 ca.

* Tại châu Á, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới theo ngày cao so với nhiều nước trong khối. Quốc gia vạn đảo đã ghi nhận thêm 27.233 ca mắc mới và 555 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 2.284.084 và 60.582 ca.

Nhằm giảm tốc độ lây lan trong nước, Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia thông báo, từ ngày 6/7 tới, tất cả các công dân nước ngoài trước khi nhập cảnh nước này sẽ phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine đầy đủ ngừa Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19.

Các nhân viên ngoại giao và quan chức nước ngoài sẽ được miễn trình giấy chứng nhận tiêm vaccine trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức, phù hợp với thông lệ quan hệ ngoại giao được các nước khác áp dụng.

Ngày 4/7, chính phủ Lào thông báo gia hạn chỉ thị 15/TTg, theo đó tiếp tục kéo dài thời gian phong tỏa đến hết ngày 19/7 nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng đang có nhiều diễn biến phức tạp và biến chủng Delta nguy hiểm đã xuất hiện tại Lào.

Đây là lần thứ 5 chính phủ Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ ngày 22/4 đến nay.

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày tiếp tục ở mức trên 700 ca, khiến nhà chức trách phải tăng cường cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch, nhất là ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 4/7 cho biết, đã phát hiện thêm 743 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 662 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 160.085 ca.

Ấn Độ dù vẫn ghi nhận số ca mắc mới trên 40.000, song đã giảm nhiều lần so với thời kỳ đỉnh dịch và nước này đang trong lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế từng áp dụng nhằm phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Ấn Độ cho phép mở cửa trở lại sân vận động và khu liên hợp thể thao không có khán giả từ ngày 5/7.

Theo số liệu thống kê ngày 4/7, Ấn Độ ghi nhận thêm 43.071 ca mắc và 955 ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua. Giới chức địa phương cho biết, sau khi tiêm hơn 1,6 triệu liều vaccine trong ngày 3/7, thủ đô New Delhi chỉ còn số vaccine dự trữ đủ dùng cho 2 ngày.

* Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba thông báo tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 theo ngày cao nhất. Cụ thể, đảo quốc Caribbean này có thêm 3.519 ca mắc mới và 14 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Người đứng đầu Cơ quan dịch tễ thuộc Bộ Y tế Cuba Francisco Duran cho biết, với con số trên, cho tới nay, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 204.247 ca bệnh, trong đó có 1.351 ca tử vong. Tỉnh Matanzas tiếp tục là tâm dịch tại nước này với tỷ lệ mắc 1.051 ca /100.000 dân.

Về tình hình tiêm vaccine, Cuba đã phân bổ 6,57 triệu liều vaccine Soberana-02 và vaccine Abdala và hơn 2,83 triệu người dân đảo quốc này được tiêm ít nhất 1 mũi.

Ngày 4/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa bị “khống chế”, ngay cả khi nước này đã đạt được thành tựu khổng lồ trong cuộc chiến chống đại dịch.

Phát biểu trước các khách mời tại Nhà Trắng nhân lễ kỷ niệm Quốc khách Mỹ, Tổng thống Biden nêu rõ: “Chúng ta đã giành được ưu thế trong cuộc đấu tranh với loại SARS-CoV-2 này. Đừng hiểu lầm ý tôi bởi đại dịch Covid-19 vẫn chưa bị khống chế. Chúng ta đều biết về những biến thể có khả năng lây lan mạnh, chẳng hạn như biến thể Delta”.

Tại Canada, sau gần 16 tháng siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, nước này đang bắt đầu nới lỏng các quy định, nhưng chỉ dành cho một số ít đối tượng cụ thể.

Cụ thể, kể từ ngày 5/7, các công dân Canada và những người thường trú tại quốc gia Bắc Mỹ này, nếu đã tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine ngừa Covid-19 được chấp thuận sử dụng ở Canada, sẽ có thể không phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh.

Tại thời điểm hiện nay, các vaccine được Canada chấp thuận gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Trước khi khởi hành, hành khách phải sử dụng ứng dụng ArriveCAN hoặc truy cập qua trang web của chính phủ liên bang canada.ca để khai báo thông tin tiêm chủng, cũng như kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Tính đến ngày 3/7, ít nhất 12.817.290 người tại Canada, tương đương 33,7% dân số, đã được tiêm phòng đầy đủ. Kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát đến nay, Canada đã ghi nhận tổng cộng hơn 1,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 26.300 người tử vong.

* Tại châu Âu, Nga là quốc gia có số ca mắc mới theo ngày cao nhất châu lục. Ngày 4/7, Nga công bố có thêm 25.142 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này chứng kiến số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng. Cùng với đó, số ca tử vong do Covid-19 vẫn ở mức rất cao, 663 người trong 24 giờ.

Tuần này, Nga đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp, đặc biệt riêng ngày 3/7 có 697 ca tử vong. Theo số liệu chính thức, cho đến nay đã có 137.925 người tử vong trong số 5,6 triệu người mắc Covid-19 ở Nga.

Ngày 4/7,Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã hối thúc người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhiều nhất có thể, đồng thời cảnh báo, quốc gia châu Âu này có thể rơi vào làn sóng dịch bệnh thứ 4 vào cuối tháng 7/2021 do biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao.

Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Veran viết: “Suốt 5 ngày qua, mức độ lây nhiễm không giảm, mà lại đang tăng lên. Tình trạng này là do biến thể Delta, vốn rất dễ lây nhiễm".

Bộ trưởng Pháp nêu dẫn chứng từ Anh nêu rõ: "Anh là thí dụ cho thấy làn sóng thứ 4 có nguy cơ xảy ra vào cuối tháng 7. Chúng ta phải hành động nhanh hơn trong chiến dịch tiêm chủng. Đất nước ta đang chạy đua với thời gian”.

Tại Slovakia, cảnh sát sẽ bắt đầu siết chặt hoạt động kiểm tra các giấy tờ chứng minh mức độ cần thiết khi nhập cảnh trên các chuyến tàu và nhà ga được chọn, song hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ được miễn kiểm soát.

Bên cạnh đó, một số cửa khẩu ít quan trọng trên biên giới Slovakia sẽ bị đóng cửa. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn cũng sẽ được áp dụng cho hệ thống sân bay.

* Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch Covid-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Người đứng đầu WHO lưu ý, biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.

Theo ông Tedros, cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.

WHO cho biết, hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo.

Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Liên quan vấn đề vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế Israel dự định đưa ra khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine thứ 3 của Pfizer.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Israel, 2 liều vaccine ngừa Covid-19 không thể tạo ra đầy đủ kháng thể cho những người có hệ miễn dịch yếu. Chủ trương này cũng sẽ giúp Israel tiêu thụ bớt số vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer nằm trong lô chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng 7.

Israel dự kiến sẽ triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch, chủ yếu là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy, hơn 90% trong số gần 2.500 bệnh nhân Covid-19 hiện nay ở nước này nhiễm biến thể Delta, so với tỷ lệ 60% tại thời điểm 2 tuần trước đó.

Trong khi đó, ngày 4/7, kênh truyền hình nhà nước KAN của Israel dẫn một nghiên cứu của Đại học Hebrew cho biết, vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer chỉ mang lại hiệu quả 70% đối với Delta - biến thể siêu lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, mặc dù đạt hiệu quả tới 95% đối với các biến thể khác.