I |
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với hơn 27,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 470.705 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
* Châu Mỹ hiện là khu vực ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới, gần 47,66 triệu ca mắc bệnh, chiếm 45% số ca bệnh toàn cầu. Số ca tử vong toàn châu lục hiện là hơn 1,1 triệu trường hợp, chiếm hơn 47% số người thiệt mạng do đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Tại Mỹ, Chính quyền Tổng thống Biden thông báo, Lầu Năm Góc đã thông qua việc triển khai 1.100 binh sĩ để hỗ trợ công tác tiêm phòng Covid-19. Một phần của lực lượng này sẽ bắt đầu tới bang California trong vòng 10 ngày tới.
Trong khi đó, bang New York vừa quyết định mở rộng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao kể từ ngày 15/2 tới.
Trước mắt, những người mắc bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi, gan, tiểu đường, béo phì và phụ nữ mang thai sẽ được nằm trong nhóm ưu tiên.
* Châu Âu hiện đứng thứ 2 toàn cầu về số ca mắc bệnh và tử vong, với lần lượt gần 31,1 triệu ca và 730.383 ca.
Ngày 5/2, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cảnh báo, nước này vẫn chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 do sự nguy hiểm từ những biến thể mới. Trong khi đó, số ca tử vong từ đầu dịch đến nay đã vượt quá 60.000 người. Đức hiện có tổng cộng 2,27 triệu ca mắc Covid-19.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đang có những tranh luận về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế từ giữa tháng này khi số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần.
Chủ tịch RKI Lothar Wieler nhấn mạnh, sự xuất hiện của các biến thể mới có tốc độ lây nhiễm cao đang là mối nguy thực sự cho công tác khống chế đại dịch của Đức và nước này chưa thể sớm kiểm soát được đại dịch do chưa khống chế được virus, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể khác từ Anh và Nam Phi.
Mặc dù hiện tại các biến thể này chưa chưa bùng phát mạnh ở Đức, chỉ chiếm chưa đầy 6% số ca nhiễm, nhưng biến thể Anh đã xuất hiện tại 13/16 bang của nước này. Ông Wieler cảnh báo khả năng số ca nhiễm mới sẽ tăng lên khi các biến thể mới được phát hiện ngày càng nhiều hơn.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang sẽ nhóm họp trực tuyến vào ngày 10/2 tới để thảo luận về các hạn chế chống dịch do có nhiều ý kiến lo ngại nới lỏng quá sớm các biện pháp phong tỏa sẽ gây ra mối nguy thực sự. Một số nguồn tin chưa chắc chắn cho biết, có khả năng Đức sẽ tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần, bắt đầu từ giữa tháng này.
Tại Bỉ, Thủ tướng Alexander De Croo đã công bố các biện pháp nới lỏng đối với một số ngành nghề, trong đó có ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như cắt tóc. Cụ thể là các cửa hiệu cắt tóc, các địa điểm nghỉ dưỡng và vườn bách thú sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 13/2 với điều kiện phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch và an toàn y tế.
Ngoài ra, các ngành nghề tiếp xúc trực tiếp như thẩm mỹ và xăm hình cũng sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1/3.
Tại Bồ Đào Nha, do các bệnh viện đang quá tải, nước này đang cân nhắc chuyển bớt bệnh nhân sang Áo để điều trị.
Trong khi đó Hungary dự kiến bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19, do công ty Sinopharm của Trung Quốc điều chế, cho công dân vào cuối tháng này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Viktor Orbán cho biết, Hungary có thể triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga vào tuần tới.
Hy Lạp đã quyết định giới hạn độ tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca xuống dưới 65 tuổi, trong khi Tây Ban Nha quyết định chỉ tiêm vaccine này cho nhóm người dưới 55 tuổi.
* Tại châu Á, đến nay, có gần 23,45 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 377.789 bệnh nhân không qua khỏi,
Trong buổi họp ngày 5/2, Chính phủ Nhật Bản nhận định, sau 4 tuần ban bố tình trạng khẩn cấp đối với một số địa phương, tình trạng lây nhiễm Covid-19 đã tiến triển theo chiều hướng giảm, nhưng hệ thống y tế nước này vẫn đang đứng trước rất nhiều áp lực.
Do đó, Nhật Bản sẽ hành động thận trọng, kể cả đối với địa phương được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn, vẫn có thể ngay lập tức tái áp đặt nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.
Chính phủ Nhật Bản quyết định sẽ chịu chi phí tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người nước ngoài tại Nhật Bản và đang xúc tiến công tác chuẩn bị, bao gồm cả việc thể hiện đa ngôn ngữ trên các phiếu tiêm chủng để xác định tình trạng sức khỏe của từng người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Iraq cảnh báo, nếu công dân nước này tiếp tục không tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe có thể “dẫn đến tình trạng mất kiểm soát” dịch bệnh Covid-19.
Theo thông báo, Bộ này cho biết, một gói các biện pháp bảo vệ sức khỏe có thể sẽ được áp dụng trong những ngày tới nhằm phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2 và chặn đứng làn sóng gia tăng các ca nhiễm mới trong những ngày qua.
Iraq đã ghi nhận thêm 1.534 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đây là con số lây nhiễm cao nhất trong ngày trong năm 2021, nâng tổng số ca nhiễm lên 625.756.
Tại Israel, chính phủ thông báo, sân bay Ben Gurion sẽ tiếp tục đóng cửa ít nhất đến ngày 20/2 nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thâm nhập.
Trong khi đó, một bệnh viện Israel vừa công bố phương pháp điều trị mang tính “đột phá” có thể giúp các ca mắc Covid-19 thể vừa và nhẹ phục hồi nhanh chóng.
* Liên quan phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19, một bệnh viện của Israel vừa công bố phương pháp điều trị mang tính “đột phá” có thể giúp các ca bệnh Covid-19 thể vừa và nhẹ phục hồi nhanh chóng.
Phương pháp này sử dụng chất EXO-CD24, do Giáo sư Nadir Arber điều chế từ trước đó nhiều năm.
Thông tin từ Trung tâm Y tế Ichilov cho biết, khi sử dụng chất EXO-CD24 cho 30 bệnh nhân Covid-19, hầu hết trong số này đã hồi phục chỉ sau 3-5 ngày.
Chất EXO-CD24 giúp cơ thể người bệnh kháng lại triệu chứng “bão cytokine” – một phản ứng thái quá của hệ miễn dịch trước một số bệnh lây nhiễm khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, buồn nôn, thậm chí tử vong.
* Về vaccine ngừa Covid-19, lãnh đạo của nhiều nước châu Âu đang đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) nhanh chóng hành động để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine, trong đó có việc cấp phép cho vaccine của công ty Johnson & Johnson.
Cập nhật thông tin về Covid-19 trên thế giới và Việt Nam