Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 với 15.159.529 ca nhiễm, trong đó có 288.906 ca tử vong.
Nước Mỹ tiếp tục ghi nhận một kỷ lục không mong muốn khi số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục đạt mức cao nhất trong ngày thứ ba liên tiếp. Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm mới tại nước này trong vòng 24 giờ qua lên tới gần 230.000 ca, vượt qua mức gần 228.000 ca của 2 ngày trước đó.
Trong khi đó, số ca tử vong tại Mỹ liên tiếp ở mức hơn 2.000 ca/ngày trong suốt 2 tuần qua. Chỉ trong ngày 5/12, số ca tử vong được ghi nhận là 2.527 ca. Trước đó ngày 2/12, số ca tử vong tại Mỹ lên tới 2.879 ca.
Giới chức Mỹ cảnh báo, làn sóng lây nhiễm mới có thể vẫn ở phía trước do hàng triệu người dân đi du lịch và hội họp bạn bè trong dịp lễ Tạ ơn hồi tuần trước bất chấp những cảnh báo từ chính quyền.
Toàn khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận 17.580.643 ca nhiễm bệnh, trong đó có 428.522 trường hợp tử vong.
* Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.676.801 ca nhiễm, trong đó có 140.590 ca tử vong và Brazil với 6.603.540 ca nhiễm, 176.962 ca không qua khỏi.
* Xét về khu vực, châu Âu là khu vực chịu hưởng nặng nhất với 18.440.400 ca nhiễm, trong đó có 424.087 ca tử vong do Covid-19.
Tại Italy, theo số liệu thống kê chính thức mới được công bố ngày 6/12, số ca tử vong do Covid-19 đã vượt hơn 60.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát trên tổng số 1.728.878 ca nhiễm.
* Châu Á hiện ghi nhận 17.508.215 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 301.662 trường hợp tử vong, xếp thứ 3 thế giới sau châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngày 7/12, truyền thông sở tại dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul nói rằng, mặc dù các ca nhiễm Covid-19 mới đã được phát hiện ở một số tỉnh miền Bắc như Chiang Mai, Chiang Rai và Phayao, nhưng tất cả đều được lây từ cùng một nguồn ở Myanmar.
Theo ông Charnvirakul, như vậy, Thái Lan không xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai và Chính phủ không cần phải thực thi các biện pháp phong tỏa.
Tính đến ngày 6/12, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 4.086 ca Covid-19, trong đó có 60 trường hợp tử vong.
* Tại châu Phi đến nay ghi nhận 2.276.498 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 53.961 trường hợp tử vong.
Để kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế Tunisia thông báo sẽ gia hạn lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc đến ngày 31/12 tới. Theo cơ quan này, lệnh giới nghiêm sẽ cấm các hoạt động đi lại từ 20h-5h theo giờ địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 104.002 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.526 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.011 ca mắc bệnh mới và 35 ca tử vong
Liên quan vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nhiều khả năng sẽ tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên vào giữa năm 2021 sau khi hoàn thành quá trình đàm phán về việc thanh toán cho các nhà cung cấp.
Lô vaccine đầu tiên mà Nam Phi sẽ tiếp nhận từ COVAX- một sáng kiến được xây dựng để cung cấp các loại vaccine ngừa Covid-19 cho những nước nghèo - sẽ chỉ đủ để thực hiện tiêm chủng cho khoảng 10% trên tổng dân số 59 triệu dân Nam Phi.
Quỹ Đoàn kết chống Covid-19 - một tổ chức từ thiện của Nam Phi - đã đồng ý chi 22 triệu USD tiền đặt cọc để mua lô vaccine có tổng trị giá 131 triệu USD này.
Theo thông báo từ các nhà sản xuất thuộc liên minh COVAX, Nam Phi sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên vào khoảng cuối quý II/2021.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, vaccine không phải là "thần dược" để điều trị cuộc khủng hoảng dịch bệnh, khẳng định sẽ là sai lầm nếu tin rằng đại dịch Covid-19 sẽ sớm kết thúc khi có vaccine.
Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết: “Có vaccine không có nghĩa là không Covid-19, vì không phải ai cũng có thể nhận được vaccine vào đầu năm sau".
Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo trước việc ngày càng có nhiều ý kiến rằng, đại dịch sắp kết thúc trong khi virus vẫn lây lan nhanh và đang tạo áp lực lớn cho các bệnh viện và lực lượng y tế.
WHO cho biết, hiện thế giới có 51 ứng cử viên vaccine đang được thử nghiệm trên người, trong đó 13 loại đang thử nghiệm quy mô lớn của giai đoạn cuối.
Dự kiến, Mỹ sẽ bật đèn xanh cho các loại vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 12 trong khi Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha cho biết những đối tượng dễ bị tổn thương nhất sẽ được tiêm những liều vaccine đầu tiên vào tháng 1/2021.