Cập nhật Covid-19 ngày 9/5: Đông Nam Á 'phát sốt' vì dịch; Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc mới; EU mua 1,8 tỷ liều vaccine Pfizer |
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi dịch Covid-19 với hơn 33,45 triệu ca mắc và hơn 595.500 ca tử vong.
Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 22,29 triệu ca mắc và hơn 242.300 ca tử vong.
Ngày 9/5, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 400.000 ca mắc Covid-19 mới. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên 400.000 người bất chấp một số tiểu bang đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, kéo theo tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, giới chức Ấn Độ đang nỗ lực nghiên cứu và cấp phép cho các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị bệnh.
Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-deoxy-D-glucose (2-DG) cho Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của nước này để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận: "Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy hợp chất (2-DG) giúp các bệnh nhân phải nằm viện phục hồi nhanh hơn và giảm tình trạng phụ thuộc vào nguồn oxy bổ sung… Loại thuốc này sẽ mang lại lợi ích lớn cho những người mắc Covid-19". 2-DG được sản xuất dưới dạng bột đóng gói và dùng để uống bằng cách pha vào nước.
Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng của Ấn Độ cũng đang trong tình trạng cảnh báo cao độ. Trung tâm Khoa học hóa học và sinh học quốc tế Pakistan (ICCBS), thuộc Đại học Karachi, xác nhận biến thể virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh (B.1.1.7) hiện gây ra tới 70% tổng số ca Covid-19 ở quốc gia Nam Á này.
Hồi tháng 1/2021, tỷ lệ này chỉ là 2%.
Virus SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ (B.1.617), vốn gây ra tình trạng gia tăng đột biến số ca Covid-19 ở Ấn Độ trong những tuần gần đây, chưa được phát hiện ở Pakistan, bởi nước này chưa có bộ kit xét nghiệm cần thiết.
* Tại châu Âu, ngày 8/5, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 18.052 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 5.016.141 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 42.746 ca, cao hơn 281 ca so với một ngày trước đó.
Hiện hơn 4,9 triệu bệnh nhân Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hồi phục và xuất viện, hơn 49,19 triệu người được xét nghiệm Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát tháng 3/2020. Quốc gia này triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 14/2 và tới nay đã tiêm được cho hơn 14,56 triệu người.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng Covid-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.
Trong tuần qua, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine phòng Covid-19 tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU, dù khẳng định luôn sẵn sàng tham gia thảo luận về vấn đề, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng đây không phải là giải pháp có thể giúp tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu.
Ngoài ra, bà Ursula von der Leyen cũng thông báo, EU đã ký thỏa thuận với liên doanh dược phẩm BioNTech/Pfizer cung cấp bổ sung tới 1,8 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19.
* Tại châu Mỹ
Ngày 8/5, Cuba ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca/ngày. Cụ thể, với 1.036 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc bệnh tại Cuba đã lên mức 114.912 ca, trong đó có 722 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có 1.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hiện quốc gia này đang đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới, khiến giới chức phải yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các không gian công cộng, cho học sinh nghỉ học và áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp nhận du khách nước ngoài.
* Tại châu Phi, tổng số ca mắc bệnh Covid-19 tính đến ngày 8/5 đã lên mức 4.618.936. Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại châu lục cũng đang ở mức 123.926 ca, số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là 4.165.656 người. Nam Phi, Morocco, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có số ca mắc bệnh nhiều nhất.
* Tại Đông Nam Á
Ngày 8/5, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố nước này sẽ cấm đi giữa các quận từ ngày 10/5-6/6 nếu không có giấy phép của cảnh sát. Như vậy, ngoài việc duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, việc cấm đi lại giữa các quận trong nội đô được thực thi trên phạm vi toàn quốc ở Malaysia.
Từ ngày 10/5, Malaysia sẽ đóng cửa rất cả các chợ mở nhân dịp tháng Ramadan và lễ Hari Raya Aidilfitri (lễ hội của người Hồi giáo sau tháng Ramadan) ở các khu vực MCO. Các chợ mở nhân dịp tháng Ramadan nằm trong Hệ thống Nhận diện điểm nóng dịch bệnh (HIDE) cũng phải đóng cửa trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 9/5.
Số ca mắc mới Covid-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh. Hai ngày qua liên tục ở mức trên 4.000 ca và ở mức cao nhất trong 3 tháng vào hôm 8/5 với 4.519 ca.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, nếu người dân tiếp tục không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng lên 7.000 ca cuối tháng 5 này.
Tại nước láng giềng Singapore, Bộ Y tế nước này công bố 20 ca mắc mới ngày 8/5, trong đó có 13 ca nhập cảnh và 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 61.331 ca. Số ca bình phục tăng thêm 6 người lên 60.912 người. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 31 ca tử vong do Covid-19.
Tại Thái Lan, giới chức y tế thông báo thêm 2.101 ca mắc và 17 ca tử vong. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 83.375 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 399 người đã tử vong.
Trong khi đó, thủ đô Vientiane của Lào đã ghi nhận trường hợp người Việt Nam đầu tiên tử vong do Covid-19 sau 1 tuần điều trị. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong ở quốc gia này. Đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1233 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 150 bệnh nhân bình phục và 1 ca tử vong.