Theo giới phân tích tại địa bàn, bất chấp việc sản lượng dầu mỏ thấp hơn có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng nói chung của khu vực, song giá “vàng đen” tăng cao hơn dự kiến sẽ giúp bù đắp thâm hụt ngân sách, cũng như tạo ra một số “dư địa” để thúc đẩy phục hồi kinh tế của các nước GCC sau đại dịch Covid-19.
Các nền kinh tế GCC có cơ hội giảm bớt sức ép tài chính nhờ cắt giảm sản lượng dầu. (Nguồn: AFP) |
Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi Monica Malik đánh giá, các nền kinh tế GCC sẽ vẫn được hưởng lợi từ nguồn thu dầu mỏ cao hơn, trong bối cảnh kỳ vọng giá dầu tăng giúp bù đắp cho sản lượng thấp hơn.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan mới đây đã điều chỉnh nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2021 và 2022 lên tương ứng 67 USD/thùng và 74 USD/thùng. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu Brent thậm chí có lúc vượt ngưỡng 70 USD/thùng, mức cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, việc tận dụng lợi thế giá dầu cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ được phân bổ như thế nào.
Nhà phân tích Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng MUFG, nhận định, giá dầu Brent ở mức 70 USD/thùng trên lý thuyết sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa, song tăng trưởng GDP thực lại phụ thuộc vào khối lượng kinh tế.
Tuy nhiên, điều này sẽ đảo ngược nếu các hóa đơn dầu mỏ được dành để chi tiêu đầu tư cao hơn, vốn là điều thường xảy ra trong thời kỳ thị trường “vàng đen” ổn định.
Trước đó, OPEC+ đã nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng trong tháng 4 tới, ngoại trừ miễn giảm một phần nhỏ cho Nga và Kazakhstan. Quyết định của OPEC+ đồng nghĩa liên minh dầu mỏ này sẽ cắt giảm tổng cộng khoảng 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4, ít hơn mức cắt giảm 7,05 triệu thùng/ngày của tháng 3 và 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2.