📞

Câu chuyện cho thuê di sản

08:41 | 09/08/2014
Thực tế, đây lại là cách mang lại hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa ở một số nước châu Âu.
Khu nghỉ dưỡng Villa Tolomei Hotel & Resort ở Italy.

Kinh doanh "lợi đôi đường"

Từng là một tu viện cổ hoang tàn đổ nát thuộc sở hữu của Cơ quan quản lý đất công Italy (PLA), Khu nghỉ dưỡng Villa Tolomei Hotel & Resort hiện đang là điểm đón khách nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất ở ngoại ô Florence, Italy. Trước đây, do không có điều kiện bảo dưỡng tốt tu viện, PLA đã cho công ty quản lý khách sạn IsHotel thuê lại di tích rộng hơn 1.000m2 này với giá 200.000 USD/năm, trong vòng 50 năm.

Tu viện giờ đây thuộc khu resort Villa Tolomei, nằm gọn trong các ngọn đồi quanh co và những vườn cây ôliu. 30 căn phòng hạng sang nằm trong Villa Tolomei với tường làm bằng đá cẩm thạch vàng, được trang trí nhiều bức bích họa đẹp và đồ nội thất kiểu Anh cổ điển đã thường xuyên kín chỗ, chủ yếu là khách nước ngoài tới thuê. Chỉ trong ba tháng đầu hoạt động, kể từ khi khai trương cuối tháng 5/2013, Villa Tolomei đã tạo được doanh thu 800.000 USD.

Trong tiến trình trùng tu, bảo vệ kho tàng di sản văn hóa, Chính phủ Italy luôn khuyến khích tư nhân đầu tư và quản lý một cách hiệu quả các công trình cổ nằm tại nhiều vùng nông thôn, ngoại ô. Tới nay, PLA đã cho các nhà đầu tư tư nhân và quốc tế thuê lại khoảng 115 ngôi nhà cổ (trong số 46.000 ngôi nhà). Bên cạnh đó, Italy còn có ý định cho tư nhân thuê các công trình lịch sử mang tính biểu tượng, gồm có nhiều lâu đài được xây từ thời Phục hưng, các cây đèn hải đăng được xây dựng ngoài đảo, các trại lính cổ, pháo đài cổ từng được dùng làm nhà tù, các biệt thự sang trọng của giới quý tộc…

Tuy nhiên, một số nơi này sẽ thành trung tâm văn hóa, trung tâm triển lãm giới thiệu các mặt hàng của Italy. Một mặt, nhà nước được trùng tu di sản đã xuống cấp thông qua vốn tư nhân mà không mất đi quyền sở hữu. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ được quyền kinh doanh dựa trên công trình và sẽ thu lãi sau các khoản đầu tư lớn ban đầu. Mỗi dự án đều tạo việc làm mới qua đó thúc đẩy kinh tế và du lịch ở địa phương.

Quảng bá nhanh và rộng khắp

Là một trong những quốc gia có số lượng di sản được công nhận nhiều nhất thế giới, Pháp hiện sở hữu khá nhiều công trình kiến trúc và biệt thự lâu đài cổ tuyệt đẹp. Trong khi Pháo đài Fort de Sedan, hay các lâu đài tráng lệ khác ở khu vực Loire đang được các công ty tư nhân thuê lại, nhiều di sản khác cũng đã được các nhà làm phim nổi tiếng để mắt tới.

Với các địa điểm hấp dẫn như Nhà thờ Đức Bà Amiens, Nhà thờ Đức Bà Chartres, Đảo Mont-Saint-Michel, Lâu đài Versailles, uớc tính có khoảng 1.500 bộ phim truyện và phim truyền hình được quay tại Pháp, riêng Paris thu hút đến 1.000 đoàn làm phim. Thông tin từ Cơ quan quản lý di sản APIE của Pháp tiết lộ, trung bình mỗi năm Pháp thu được khoảng 10 triệu Euro từ việc cho thuê các cảnh quay.

Hiện nay, chỉ riêng tại Paris và vùng phụ cận đã có 150 lâu đài sẵn sàng đón tiếp các đoàn phim. Bên cạnh phim truyện, Pháp cũng thu hút các nhà làm phim quảng cáo. Mới đây, một công ty điện thoại ở Trung Quốc đã mời diễn viên Leonardo DiCaprio tham gia cảnh quay trước nhà thờ Saint-Augustin để ca ngợi tính năng của một loại điện thoại thông minh...

Ông Olivier-René Veillon - Giám đốc Ủy ban Điện ảnh của Paris và vùng phụ cận cho rằng: "Việc cho thuê các di sản không phải vì lợi ích vật chất... Lý do quan trọng hơn là việc quảng bá di sản và văn hóa Pháp thông qua các bộ phim sẽ đến với hàng triệu người trên thế giới." Chẳng hạn, năm 2006, Bảo tàng Louvre đã tiếp đón thêm một triệu khách tham quan sau khi phim Mật mã Da Vinci ra đời.

Không chỉ ở Italy và Pháp, việc cho thuê di sản cũng đang được Tây Ban Nha tiến hành với Paradores de Turismo - một chuỗi các nhà nghỉ nằm ở vùng nông thôn từ thời vua Alfonso XIII vào năm 1926. Hiện nước này đã biến Paradores de Turismo thành một tập đoàn kinh doanh khách sạn với hơn 90 khách sạn nằm trong các tu viện, pháo đài cổ.

THÀNH NAM (tổng hợp)