Anh Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị chia sẻ câu chuyện cảm động của gia đình mình tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và 35 năm triển khai hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ngày 8/6/2023. |
Những câu chuyện anh Trần Khánh Phôi, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và 35 năm triển khai hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) ngày 8/6 vừa qua cứ ám ảnh tôi mãi. Hôm nay, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, gọi điện cho anh, được anh kể thêm những câu chuyện, những ký ức về cuộc chiến tranh dù đã lùi xa nhưng thật khó quên của gia đình...
Anh Trần Khánh Phôi sinh ra trong một gia đình nghèo, rất nghèo và lớn lên trong một khu trại tập trung do chế độ Việt Nam cộng hòa tạo lập bên bờ Nam của dòng sông Bến Hải. Tuổi thơ của anh gắn liền với hình ảnh bắt bớ, tù đày, với bom đạn và với cả sự chết chóc, tang thương. Đói và nghèo. Quê anh lúc đó là như thế và cũng như bao làng quê Việt Nam khác liên tục phải trải qua các cuộc chiến tranh. Anh nhớ mình chưa bao giờ được ăn một bữa cơm no…
Tin liên quan |
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Kể về sự hy sinh mất mát của gia đình, anh Phôi nghẹn giọng, nhớ hình ảnh khi ba của anh bị một người lính Việt Nam cộng hòa bắn chết ngay trước cổng nhà vào ngày 25/8/1968. Lúc đó anh mới chỉ là đứa trẻ vừa tròn 6 tuổi.
Anh mường tượng lại hình ảnh mẹ cùng chị gái khóc khi anh trai mất chưa đầy một năm sau đó, vào ngày 19/6/1969. Anh trai anh trốn nhà đi bộ đội lúc mới 17 tuổi, 20 tuổi anh bị bắt trong một trận đánh và bị giam ở nhà lao Non Nước ở Đà Nẵng. Hai năm sau, gia đình anh được tin anh trai anh đã bị địch tra tấn cho đến chết trong nhà tù chỉ vì một lý do đơn giản, anh là “Việt cộng”.
Sau này qua trao đổi với anh Phôi, được biết anh còn có người anh trai đầu sinh năm 1941. Năm 23 tuổi, anh đi bộ đội và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên. Năm 1966, anh bị bắt trong một trận đánh và bắt đầu hành trình của những tháng năm tù đày, tra tấn từ nhà lao Huế rồi khám Chí Hoà và gần 8 năm ở nhà tù Phú Quốc.
Không có một hình thức tra tấn giã man nào của chế độ Việt Nam cộng hoà mà anh trai anh Phôi không trải qua. Mãi đến năm 1973, sau Hiệp định Paris, người đàn ông cường tráng ngày xưa sau những năm tháng lao tù chỉ còn lại 46 kg ấy được trao trả theo quy ước “chế độ tù binh”. Nhưng đến năm 1996, sau những năm tháng liên tục sống trong bệnh tật bởi những di chứng từ những năm tháng lao tù anh ấy đã qua đời.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đồng cảm với những chia sẻ của anh Trần Khánh Phôi tại Lễ kỷ niệm. |
Anh Phôi xúc động nhớ về cái chết của chị gái vào ngày 23/1/1976, khi anh 14 tuổi. Tuy vẫn là một đứa trẻ, nhưng là đứa trẻ của thời chiến, đã đủ lớn để nhớ tất cả những ký ức buồn đau của chiến tranh.
Anh kể, chị gái anh chết ngay trước mặt em trai 14 tuổi của mình, ngay trên mảnh đất vườn nhà khi đang tham gia lực lượng rà phá bom mìn. Một quả đạn pháo đã bất ngờ phát nổ, khi chị gái của anh cùng các nữ đồng đội khác dùng cái thuốn để dò tìm bom, mìn và các loại đạn pháo bởi lúc bấy giờ đội rà phá bom mình của chị chưa có các trang thiết bị rà phá hiện đại như sau này.
Anh Phôi ngậm ngùi, trong ký ức tuổi thơ của anh thật nhiều những đau thương mất mát mà chiến tranh đổ xuống gia đình anh, quê hương anh và đất nước Việt Nam. Những cái chết đau thương và ám ảnh: Câu chuyện ba anh chết khi anh còn rất nhỏ; anh trai chị gái của anh cũng ra đi khi tuổi mới đôi mươi, đều chưa có gia đình riêng, không vợ, không con, thậm chí không có lấy một tấm ảnh để thờ.
TIN LIÊN QUAN | |
Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ: Tháng Bảy và những tượng đài bất tử |
Anh Phôi cho biết thêm, khi chiến tranh đã qua đi trên quê hương Việt Nam, thì những tàn dư của nó, không chỉ ở quê hương anh mà còn ở nước bạn Campuchia cũng khiến gia đình anh mất thêm một người yêu dấu nữa. Anh kể, anh trai của anh nhập ngũ lúc 20 tuổi và mất vào năm 1981 khi tròn 26 tuổi do vấp phải bom mìn trên đường đi làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Anh trai anh được các đồng đội chôn cất tại một bản làng thuộc tỉnh Pretviha của Campuchia.
Bốn năm sau, anh trai anh được một người đồng đội khi từ chiến trường Campuchia trở về Việt Nam đã cất bóc hài cốt bỏ vào ba lô và đưa về nghĩa trang Liệt sỹ Kon Tum. Người chiến sỹ này đã vứt bỏ hầu hết hành lý của mình chỉ để mang xác anh trai của anh về nước. Năm 1987 gia đình anh Phôi vào Kon Tum đưa xác anh trai ra chôn ở quê. Tất cả những việc này anh Phôi đều không được biết vì khi đó anh đang học tập ở Liên Xô. Năm 1989, anh về nước, mẹ anh đã rất vui kể lại và tri ân người đồng đội của con mình khi đi cùng anh lên mộ anh trai anh để thắp hương. Anh bồi hồi, sau này, nhớ lại mẹ mình, anh càng hiểu được tấm lòng của tất cả những người mẹ mất con. Còn may mắn khi còn có được xác con mình…
Giám đốc Cơ quan Kiểm kê tù binh và người mất tích Hoa Kỳ, ông Kelly McKeague (giữa) trao Kỷ niệm chương cho anh Trần Khánh Phôi (ngoài cùng bên phải) và các thành viên có đóng góp quan trọng vào công tác MIA. |
Cảm nhận được điều đó, từ những năm 1993 anh Phôi đã tham gia hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA). Anh bảo, mặc dù lúc đó trong anh vẫn còn nhiều thù hận với những người đã gây ra chiến tranh, đã khiến gia đình anh mất đi những người thân yêu nhất. Anh Phôi chia sẻ, 30 năm, gần như trọn một đời làm công chức anh miệt mài với những chuyến đi tìm kiếm những quân nhân mất tích, của cả hai phía.
Và cũng sau 30 năm ấy, nhiều suy nghĩ trong anh cũng đã thay đổi, anh hiểu hơn về lòng nhân ái và sự bao dung. Anh đã hiểu tại sao phải “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”. Những người Mỹ bình thường không có lỗi. Và vì thế, anh không còn thù hận ai. Nếu có chăng, chỉ là thù hận chiến tranh, ghét bỏ chiến tranh, với mong muốn đừng bao giờ có chiến tranh dù bất cứ ở đâu, với bất cứ với ai và với bất cứ lý do gì.
TIN LIÊN QUAN | |
Kỷ niệm 50 năm thành lập MIA và 35 năm triển khai hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích |
Anh Phôi chia sẻ, những người chứng kiến và chịu đựng những nỗi đau tột cùng của chiến tranh, sau đó lại là những người trực tiếp tham gia các hoạt động để hàn gắn vết thương chiến tranh, như các anh đã, đang và sẽ tiếp tục vượt lên trên sự mất mát, đau thương của chính mình với một tấm lòng nhân ái, đôn hậu rất Việt Nam. Những hành động này sẽ góp phần cho một hành trình giúp làm dịu bớt nỗi đau của những người mẹ, giúp hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai quốc gia, hai dân tộc, dù công việc có khó khăn, vất vả đến đâu.
Anh muốn đất đai không còn bom mìn để người dân quê anh được tự do canh tác. Anh muốn nhiều hơn những người Mỹ đã mất tích tại Việt Nam được tìm thấy và đương nhiên là càng nhiều hơn những bộ đội Việt Nam đã hy sinh cũng được tìm thấy và được nhận dạng để về với quê hương, về với gia đình.
“Tôi tin chắc như thế!” Anh Phôi kết thúc câu chuyện cảm động của mình trong ngậm ngùi và những tràng vỗ tay chia sẻ và tán thưởng của những người có mặt.
| Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ: Tháng Bảy và những tượng đài bất tử Những ngày tháng Bảy, cái nắng như đổ lửa không thể ngăn những đoàn người đổ về các nghĩa trang liệt sĩ khắp mọi miền ... |
| Công đoàn Bộ Ngoại giao thăm hỏi, tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng Sáng nay 26/7, đoàn Công đoàn Bộ do Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao Phan Kiều Thu dẫn đầu đã đến thăm hỏi, chúc ... |
| Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là để xoa dịu mất mát của thân nhân, cũng để người sống đỡ day dứt Nhân Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7), Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng, ... |
| Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), sáng 27/7, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch ... |
| Tự hào là con của những anh hùng Có biết bao thế hệ đã đi, sống, hy sinh hay để lại một phần cơ thể mình trên những mảnh đất dọc chiều dài ... |