📞

Câu chuyện ở Venezuela

09:55 | 21/02/2019
Thái độ khác biệt của chính quyền Venezuela trong việc tiếp nhận hàng viện trợ cho thấy Tổng thống Nicolas Maduro vẫn rất thận trọng trước mọi động thái mang tính can thiệp của Mỹ.

“Yêu” hàng Nga, xa hàng Mỹ

Ngày 19/2, phát biểu tại Đại học Quốc tế Florida tại Nam Florida, khu vực có hơn 100.000 người Mỹ gốc Venezuela sinh sống, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra “tối hậu thư” với quân đội Venezuela, kêu gọi lực lượng này hỗ trợ cho lãnh đạo đối lập Juan Guaido và từ bỏ Tổng thống Nicolas Maduro. Cùng lúc đó, Mỹ đang tiến hành chiến dịch vận chuyển 200 tấn hàng viện trợ tới biên giới giữa Colombia và Venezuela.

Một quốc gia châu Mỹ khác là Brazil cho biết sẽ phối hợp với Mỹ để vận chuyển thực phẩm và thuốc uống tới thị trấn Pacaraima, nằm sát biên giới với Venezuela.

Dòng xe chở hàng cứu trợ của Mỹ đang di chuyển từ Colombia ra biên giới giáp Venezuela. (Nguồn: AP)

Song tất cả nỗ lực này đều đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Venezuela. Sau tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Nicolas Maduro đã điều động quân đội tới các đường biên giới với Brazil và Colombia, thiết lập vùng cấm bay và di chuyển với các đảo Aruba, Bonaire và Curacao nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực xâm nhập lãnh thổ. Ông chỉ trích các hoạt động viện trợ này là do Mỹ dàn dựng, đồng thời bác bỏ khả năng tổ chức bầu cử sớm.

Tuy nhiên, cùng ngày, sau khi bác bỏ về thông tin Venezuela đang khủng hoảng, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết 300 tấn hàng viện trợ nhân đạo của Nga, phần nhiều là các nhu yếu phẩm và sản phẩm y tế, đã tới sân bay quốc tế Caracas “một cách hợp pháp”. Tương tự, ngày 14/2, Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết đã tiếp nhận 64 container hàng hóa gồm 993 tấn thuốc men, vaccine, khẩu phần dinh dưỡng và trang thiết bị y tế tại cảng Guaira.

Hơn cả những gói hàng

Thái độ khác biệt của chính quyền Venezuela trong tiếp nhận hàng viện trợ cho thấy Tổng thống Nicolas Maduro vẫn rất thận trọng trong mọi động thái mang tính can thiệp của Mỹ. Theo ông, đây là cách Mỹ thể hiện giúp lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido mở rộng ảnh hưởng, hướng tới lật đổ chính quyền hợp hiến.

Quan trọng hơn, nhà lãnh đạo Venezuela cho đây là động thái của Mỹ nhằm tác động vào nội bộ đất nước, mở đường cho việc can thiệp quân sự. Điều này càng có cơ sở khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela. 

Cuối cùng, Mỹ cùng ông Guaido mong rằng những gói hàng cứu trợ với “lý do nhân đạo” có thể khiến quân đội Venezuela từ bỏ sự trung thành dành cho Tổng thống Nicolas Maduro. Trong bài phát biểu tại Nam Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thông điệp đến giới tướng lĩnh của Venezuela, kêu gọi họ ngưng tuân lệnh ông Maduro và cho phép hàng viện trợ đi qua biên giới.

Chốt chặn cuối cùng

Tuy nhiên, thông điệp của người đứng đầu Nhà Trắng đã không thể lay chuyển quân đội Venezuela, một trong những “chốt chặn cuối cùng” của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Vladimir Padrino cho biết các tướng lĩnh và binh sĩ quân đội Venezuela vẫn đóng tại các khu vực biên giới để ngăn chặn bất cứ hành động xâm phạm lãnh thổ, đồng thời khẳng định trung thành với Tổng thống hợp hiến.

Trên thực tế, quân đội Venezuela chỉ có 123.000 quân trong tổng số 31 triệu dân, nhưng lại có tới 2.000 tướng lĩnh. Đáng chú ý, các tướng và cựu tướng còn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền: Trong 23 tỉnh thì 11 tỉnh có thống đốc là tướng hoặc cựu tướng quân đội và 11/30 Bộ có Bộ trưởng là tướng. Các chức vụ này đi kèm với nhiều đặc quyền, trong đó có việc kiểm soát nguồn thực phẩm và hưởng tỷ giá đổi tiền Dollar Mỹ ưu đãi. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino còn có quyền kiểm soát cảng biển, một phần ngành dầu khí và khai khoáng. Việc được hưởng nhiều quyền lợi như vậy đã ít nhiều lý giải cho sự trung thành của quân đội đối với Tổng thống Nicolas Maduro.

Thêm vào đó, bất chấp sự phản đối của Mỹ, các nước phương Tây và Mỹ Latinh, ông Maduro vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Nga, Trung Quốc, Cuba cùng một số quốc gia khác.

Moscow tiếp tục duy trì lập trường ủng hộ Caracas vì hai lý do chính. Đầu tiên, Nga là chủ nợ lớn thứ hai của Venezuela và mong muốn tiếp tục hợp tác với quốc gia có trữ lượng dầu hỏa đứng đầu thế giới ít nhất là trong vài thập niên tới. Thứ hai, đây là cách Moscow mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực từng được coi là “sân sau” của Washington.

Về phần mình, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela, với con số lên tới 54 tỷ USD. Quan trọng hơn, Caracas là đối tác then chốt trong chiến lược “Con đường tơ lụa mới” của Bắc Kinh ở Mỹ Latinh, với tổng trị giá lên tới 400 tỷ USD. Sự thay đổi về mặt thể chế, dù ít hay nhiều, có thể mang đến ảnh hưởng tiêu cực và đây là điều Trung Quốc không hề mong muốn.

Với quân đội trung thành cùng sự ủng hộ của hai cường quốc, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro nhiều khả năng sẽ tiếp tục đứng vững, bất chấp những nỗ lực từ Mỹ, các nước phương Tây hay lãnh đạo phe đối lập. Song chừng nào cuộc đối đầu giữa hợp hiến và vi hiến, giữa Venezuela và Mỹ chưa khép lại, người dân nơi đây sẽ khó có thể tìm lại ngày yên bình thuở trước.