Ông Rodrigo Duterte là Tổng thống đầu tiên đến từ Mindanao - hòn đảo lớn thứ hai Philippines, nơi “nổi tiếng” với tình trạng nghèo đói và xung đột địa phương. Sau 20 năm làm Thị trưởng Davao với chính sách không khoan nhượng tội phạm, ông đã biến thành phố này, nơi từng được mệnh danh là "thủ đô của tội phạm" thành một trong những "thành phố bình yên nhất Đông Nam Á".
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Duterte tập trung vào việc dùng các biện pháp cứng rắn để giải quyết các vấn đề trong nước. Vì vậy, người dân (đặc biệt tầng lớp dân nghèo) kỳ vọng ông sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho Philippines. Tuy nhiên, việc ông Duterte gần như không có bất cứ kinh nghiệm nào trong giải quyết các vấn đề đối ngoại phức tạp, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, khiến giới quan sát hết sức lo ngại, nhất là khi Tòa Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) sắp ra phán quyết trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines và Philippines sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: AP) |
Đường lối chưa rõ ràng
Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, Philippines kiên định duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và quan hệ gần gũi, sâu sắc về an ninh với Mỹ và Nhật Bản. Philippines cũng là nước lớn tiếng nhất trong khu vực lên án những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Từ năm 2012, Trung Quốc chiếm giữ trái phép bãi cạn Scarborough khiến quan hệ hai nước xấu đi đáng kể. Năm 2013, Philippines đệ đơn kiện yêu sách đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc lên PCA. Phán quyết dự kiến được đưa ra trong vài tuần tới và được tiên đoán sẽ không có lợi cho Bắc Kinh.
Trong các lần hùng biện trong quá trình tranh cử, ông Duterte chưa cho thấy đường lối rõ ràng về đối ngoại, cũng như không có các cố vấn về lĩnh vực này. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, ông Duterte cũng chưa có chiến lược cụ thể khi chưa chỉ ra được Phillipines nên tiếp tục làm gì với vụ kiện PCA. Thậm chí, các tuyên bố về đối ngoại của ông nhiều khi còn gửi đi các tín hiệu mâu thuẫn.
Có lúc ông Duterte tuyên bố sẽ tự cưỡi mô-tô nước tới các đảo nhân tạo đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, và cắm quốc kỳ Phillipines để khẳng định chủ quyền của nước này ở đó. Nhưng cũng không ít lần, ông nói về việc sẽ tiến hành đối thoại với Bắc Kinh.
Hôm 1/5, ông Duterte cho biết sẽ thương thảo song phương với Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán đa phương về Biển Đông hiện nay không đem lại kết quả trong 2 năm tới. Thậm chí, ông còn xem xét "gác sang một bên" những tuyên bố chủ quyền của Philippines ở các vùng biển tranh chấp để đổi lấy hợp tác về kinh tế. Tuy nhiên, gần đây, ông lại kêu gọi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán đa phương, trong đó có sự tham gia của các bên yêu sách và Mỹ, Nhật, Australia.
Không ỷ lại vào Mỹ
Khi lên nắm quyền năm 2010, ông Aquino cũng có quan điểm muốn nhấn mạnh hợp tác song phương với Trung Quốc, giống ông Duterte hiện nay. Tuy nhiên, sau khi các tàu Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, chính quyền Aquino buộc phải thay đổi chính sách và tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác.
Về phần mình, ông Duterte có nhiều việc phải làm trên cương vị Tổng thống mới để duy trì tốc độ phát triển kinh tế tương đối cao mà người tiền nhiệm đã làm được, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội, thực hiện cam kết quét sạch tội phạm và tham nhũng. Do vậy, nhiều khả năng chương trình nghị sự của ông Duterte sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước.
Về đối ngoại, một mặt, ông Duterte có những dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở hợp tác để phát triển. Ông Duterte muốn tranh thủ nguồn đầu tư và tài chính dồi dào của Trung Quốc để phục vụ mục tiêu duy trì tốc độ phát triển kinh tế của Philippines hiện nay. Mặt khác, ông vẫn tiếp tục cần đến Mỹ để đảm bảo an ninh, đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông giữa hai nước tiếp tục là vấn đề khó khăn. Ông Duterte khẳng định, ông tôn trọng quan hệ đồng minh quốc phòng với Mỹ dù sẽ không ỷ lại vào Mỹ trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Ngoài ra, việc tân Tổng thống Philippines chưa có lập trường rõ ràng trong vấn đề Biển Đông có thể dẫn tới sự bất ổn định cũng như làm suy yếu khả năng đoàn kết của ASEAN. Dù vậy, nhiều người vẫn hy vọng việc Philippines đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017 sẽ là cơ hội để ông Duterte cho khu vực và cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chính sách đối ngoại của Philippines, đặc biệt là đối với việc củng cố, thúc đẩy đoàn kết nội khối, góp phần phát triển Cộng đồng ASEAN, qua đó khẳng định uy tín và vị thế của Philippines trong khu vực và trên trường quốc tế.