Cây cô đơn, hay cây sinh tồn, nằm tại Ein Bokek, gần Arad, đứng trơ trọi giữa vùng nước biển mặn chát màu xanh ngắt. Sự tồn tại của cây này khiến nhiều người hiếu kỳ và khó lý giải vì sao nó có thể sống sót tại đây. Khi quan sát kỹ, người ta thấy rễ cây bám xuống lớp muối trắng của hòn đảo và có chồi đâm ra từ cành cây. (Nguồn: Walkmyworld)
Biển Chết là hồ nước nằm giữa Israel và Jordan, nổi tiếng với độ mặn "khủng khiếp". Mức độ muối ở khu vực này cao gấp 10 lần so với đại dương, tới mức động thực vật gần như không hiện diện. Cá hay thậm chí là côn trùng đều không thể sinh sống tại đây. Nhưng ở giữa hồ lại xuất hiện một thân cây đơn độc vươn lên giữa hòn đảo muối trắng tinh, cách bờ khoảng hơn 90 mét. (Nguồn: journeyera)
Cây đặc biệt này được một nghệ sĩ địa phương mang tới và "trồng" như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tự nhiên. Anh này thường chèo thuyền ra đảo thăm cây mỗi ngày và đắp bùn quanh gốc nhằm đảm bảo nó nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt. Dù vậy, cây sinh tồn không phát triển mạnh mà chỉ duy trì sự sống. (Nguồn: livejournal)
Cây sinh tồn trở thành một trong những địa điểm check in nổi tiếng ở Biển Chết và hot trên Instagram. Mỗi ngày, có khá đông người tới chụp ảnh và ngắm cảnh. Hầu hết du khách chọn cách bơi ra đảo muối để trải nghiệm "nổi trên mặt nước" do độ mặn quá cao. (Nguồn: livejournal)
Tuy nhiên, khi bơi ra đảo muối, du khách lưu ý không được để nước bắn vào mắt hay miệng nhiều vì sẽ gây đau đớn. Ngoài ra, việc bơi trong điều kiện "nổi bất thường" gây khó khăn cho những người mới. Để di chuyển khoảng cách gần 100 mét, du khách thường mất khoảng 15 phút xoay xở. Do đông người nên du khách được khuyên nên tới trước 9h sáng hoặc sau 5h chiều. (Nguồn: alexinwonderland)
Cây sinh tồn và đảo muối nằm ở khu vực Ein Bokek, gần Leonardo Plaza. Nước Biển Chết có màu xanh lá hoặc xanh dương, độ đậm nhạt và sắc độ tùy thuộc thời tiết và ánh nắng mỗi ngày. (Nguồn: journeyera)
Biển Chết thực chất là một hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây (Israel) và thung lũng Jordan, là một trong những hồ có độ mặn cao nhất trên thế giới với tỷ lệ khoảng 34%. Mỗi năm, hồ thu hẹp nửa mét khiến nước ngày càng mặn hơn.