📞

Cây cối và tâm linh

15:08 | 30/08/2011
Không phải ngẫu nhiên khi Cleve Backster, người Mỹ đã nghiên cứu về thực vật đã có lời tuyên bố: Cây cỏ có tình với nhau, có ân oán với người và chúng còn biết cảnh giác với những mối nguy hiểm đến gần...
Cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma qủy. Ảnh minh họa

Đó là năm 1996, môt buổi chiều nhàn rỗi, Cleve Backster ngồi ngắm những cây cảnh trong nhà. Ông để mắt tới cái cây trong chậu ở cuối phòng, có lá to và dày. Với sự tò mò của nhà khoa học, Backster thử cắm môt đầu điện cực của điện kế và chợt nghĩ thử đốt chiếc lá này xem sao. Ý nghĩ vừa dứt, tức thì kim điện kế nhẩy lên. Nghĩ như vậy ông thử lần thứ hai nhưng Bakster tự nhủ sẽ không đốt, thì kim điện kế cũng không nhúc nhích. Lần thứ ba , ông nhất định sẽ đốt chiếc lá. Lúc đó, trong phòng lặng gió, nhưng kim địên kế bỗng nhiên lại nhẩy mạnh. Sau nhiều thực nghịêm với 25 loại thảo mộc khác nhau, Backster mới chính thức công bố: cỏ cây có tình cảm, có trực giác, có tâm linh bén nhậy. Backster còn cho biết thêm là cây cỏ cũng biết đề phòng những bất trắc. Khi sống cạnh nhau, cây để ý canh chừng nhau, nhưng khi đông vật tới gần, mối nguy gần hơn, cây cỏ quay sang canh chừng đông vật.

Không riêng gì chuyện của Backster, ở Nhật, những cây long não cũng rất thiêng liêng. Tại Atami cách thủ đô Tokyo 70 km có cây long não lớn thứ nhì trong nước. Trong thập niên 70 nó đã chịu được một đợt sóng thần, gốc cây khổng lồ của nó chắn lại sự tấn công của bức tường nước cuồng nộ. Từ đó những kẻ tín ngưỡng đổ xô đến để cầu nguyện thần cây và đi quanh gốc cây. Theo truyền thuyết, mỗi vòng theo chiều kim đồng hồ sẽ phù hộ người ta thọ thêm 1 năm tuổi, hay sẽ giảm thọ 1 năm nếu đi ngược lại. Tại một tu viện ở thị trấn cổ Ayatuya, Thái Lan có một cây đa mà rễ của nó bao lấy một pho tượng đầu đức Phật. Nhưng ai đã đặt pho tượng vào đấy thì vẫn là điều bí ẩn.

Trong văn hóa Việt Nam, tục thờ cây cũng rất phổ biến và đã đi vào tiềm thức. Người Việt thờ mẫu thượng ngàn và thờ cây đa, cây gạo ở mọi làng quê, đình chùa, miếu mạo vì cho rằng, cây cối là loại sinh thể đặc biệt, có đời sống trực giác tâm linh y như con người; có năng lượng phát ra và tương tác được với năng lượng của con người. Vì vậy, cây cối được người Việt sử dụng trong phép điều hòa môi trường, mặt khác, cây còn được coi là nơi trú ngụ của các vị thần linh hay ma quỷ.

Theo cuốn gia phả dòng họ Lê cách đây khoảng 600 năm, vùng đất Nghi Thịnh (Nghi Lộc, Nghệ An) có một trận đại hồng thủy tràn qua, nhấn chìm tất cả nhà cửa, cây cối, biến nơi này thành một vùng cát trắng hoang vu. Thế nhưng, duy chỉ có 5 cây thị vẫn sống xanh tươi. Vào thế kỷ thứ 16, Đô đốc Lê Văn Hoan được điều vào Nam lãnh đạo nghĩa quân ra Bắc dẹp giặc. Trên đường chinh chiến, ông đã lệnh cho lính buộc đàn voi nghĩa quân vào 5 cây thị mọc gần đó. Sau khi lập công lớn, những lần đưa quân ra Bắc vào Nam, Đại nguyên soái đều ghé thăm những cây thị, thật kỳ lạ là sau đó đều giành được thắng lợi. Vì vậy Lê Công Hoan đã cho lập tại đây một ngôi đền. Năm 1965, bom đạn đế quốc Mỹ đã thiêu trụi ngôi đền, nhưng 5 cây thị vẫn còn nguyên vẹn. Từ đó đến nay, những cây thị này vẫn kiên cường, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của quê hương.

NHƯ THẢO