Từ xưa, quế đã là một trong 4 vị thuốc quý được gọi là "tứ bảo Đông y" gồm: sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, quế, bột quế, tinh dầu quế càng được sử dụng nhiều hơn, không chỉ trong dược liệu mà còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị trong nhiều món ăn.
Thu nhập cải thiện nhờ trồng quế hữu cơ
Quế là 1 trong 10 cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái, chiếm tới 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh, đồng thời, được mệnh danh là cây trồng đa lợi ích khi từ vỏ, gỗ, lá, gốc rễ đều có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có trên 100.000 người Dao đang sinh sống. Những năm gần đây, bà con đã chú trọng trồng quế an toàn, hữu cơ, mang lại giá trị cao.
Nhờ có quế, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã giảm mạnh theo từng năm, số hộ khá và giàu tăng nhanh. Cây quế thực sự đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho người Dao và đồng bào các dân tộc nơi đây.
Cây quế thực sự đã và đang mang lại lợi ích kinh tế cho người Dao và đồng bào các dân tộc nơi đây. (Nguồn: Báo Yên Bái) |
Thăm đồi trồng quế của gia đình ông Triệu Toàn Phú (dân tộc Dao) ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lúc hai vợ chồng họ đang khai thác những cây quế đã lớn, chúng tôi được biết, nhà ông có 9 ha trồng quế, là đất khai hoang từ hơn 30 năm nay.
Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, vào tháng 3 và tháng 8 theo phương thức thu tỉa hoặc khai thác trắng. Năm trước, giá bán vỏ quế khô là 40.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, được một doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái.
Ông Phú chia sẻ: “Trồng quế theo quy trình sạch, yêu cầu không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Cây quế cũng không được tưới nước mà phải dựa hoàn toàn vào nước mưa. Ông phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm.
Công việc chăm sóc vất vả hơn, vì hằng ngày phải làm cỏ bằng tay, không để cỏ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây quế. Bù lại, thu nhập cao hơn trước. Vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình tôi tỉa những cây đã to, bán vỏ quế được lợi nhuận 180 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Phượng, thôn Làng Trạm, xã Phong Dụ Thượng cho hay: "Gia đình tôi có 10ha trồng quế, ban đầu trồng bằng phương pháp gieo hạt, phải mất 10 năm cây quế mới cho thu hoạch. Nhà tôi không khai thác trắng, mà thu hoạch theo phương pháp thu tỉa, cứ cây to thì bóc vỏ trước, sau đó chặt cây.
Thân gỗ chặt bán với giá 1,2 triệu đồng/m3. Phần gốc còn lại sẽ mọc lên chồi, những cây tái sinh chỉ 5 năm sau là cho thu hoạch. Với 10ha thu hoạch bóc tỉa, gia đình tôi đã thu được khoảng 10 tấn vỏ tươi, tương đương 5 tấn vỏ khô, bán được 250 triệu đồng".
Liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế
Là 1 trong 5 huyện có diện tích trồng quế lớn của Yên Bái, huyện Văn Yên có gần 50.000 ha quế, chiếm trên 60% diện tích quế của tỉnh. Mỗi năm, huyện xuất ra thị trường khoảng gần 8.000 tấn vỏ quế tươi; khoảng 63.000 tấn cành lá quế; 300 tấn tinh dầu; 51.000m3 gỗ quế.
Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Quế đã trở thành cây làm giàu cho người dân huyện Văn Yên với doanh thu mỗi năm trên 600 tỷ đồng. Từ sự chủ động của bà con, sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, cây quế đã trở thành cây trồng mũi nhọn của bà con người Dao nói riêng và nhiều địa phương ở Yên Bái nói chung. Quế đã và đang đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mang lại sự sung túc cho người dân vùng cao Yên Bái".
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 80.000 ha quế, tập trung chủ yếu tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình. Sản lượng khai thác hằng năm bình quân về vỏ quế của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn; cành, lá tận thu trên 85.000 tấn để chế biến tinh dầu với sản lượng bình quân 600 tấn; gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ khoảng 200.000m3, qua đó đem lại thu nhập ổn định cho người trồng quế.
Quế thành phẩm được lựa chọn đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu. (Nguồn: Báo Yên Bái) |
Bình quân cứ mỗi 1 ha quế đem lại thu nhập khoảng trên trên 900 triệu đồng, đối với những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và người trồng rừng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì giá trị có thể tăng trên 1 tỷ đồng, thu nhập của các hộ gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để phát triển cây quế một cách bền vững, ổn định và nâng cao giá trị các sản phẩm quế Yên Bái, trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái định hướng phát triển vùng trồng quế đến năm 2025 tại 5 huyện, gồm: Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình với diện tích trên 80.000 ha. Tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm quế.
Phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh toàn tỉnh đạt 35.000 ha, với 20.000 ha được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Yên Bái thâm nhập vào các thị trường phát triển, có thu nhập cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
| Sức sống mới trên vùng cao Tà Lu Về với Tà Lu hôm nay, ai cũng cảm nhận rõ sự đổi thay của đời sống đồng dân tộc Cơ Tu. Tà Lu đã ... |
| Bạc Liêu ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Về Bạc Liêu đi qua từng con đường, ngõ xóm, chúng tôi bắt gặp sắc diện mới trải lối về tận các phum sóc, vùng ... |
| Những quyết sách vì quyền con người Kỳ họp lần thứ VI Quốc hội khoá XV thông qua các quyết sách quan trọng, góp phần bảo đảm quyền con người ở nước ... |
| Lâm Đồng giữ gìn văn hóa dân tộc thiểu số Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển ... |
| Trà Vinh khai thác tiềm năng bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát ... |