Hàng ngàn người Peru đón chào anh với vô vàn bình luận sau mỗi dòng trạng thái mới nhất, cứ như một vị nguyên thủ quốc gia.
Vì một tiếng nói chung cho 7 tỷ người
Ngày 19/11, Zuckerberg đã có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC. Trong đó, anh tập trung vào các vấn đề như nghiên cứu sức khỏe, tuổi thọ trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và sự kết nối. Anh trích dẫn câu nói của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: "Như ông Kennedy nói, “đây là thời điểm của sự vĩ đại". Và, với quá trình thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ nhanh chóng như ngày hôm nay, thế hệ của chúng ta có khả năng làm những việc vĩ đại hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử".
CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Reuter) |
Theo người sáng lập Facebook, trong thế giới hiện đại, con người không chỉ có các phương tiện truyền thông mà còn có nhiều công cụ khác để chia sẻ thông tin và bày tỏ mối quan tâm của họ. Vì vậy, anh cho rằng, việc gia tăng kết nối trên toàn thế giới rất quan trọng: "Có thể giúp cho 2 tỷ người cất lên tiếng nói của mình là việc làm thật tuyệt vời. Vậy thì còn điều gì tốt hơn ta có thể làm? Đó là hãy cho cả 7 tỷ người có chung một tiếng nói".
Hướng tới mục tiêu giúp con người trên toàn cầu có chung một tiếng nói, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2016, Facebook đang trưng bày một số các công nghệ hiện tại và tương lai của họ. Giới báo chí và các đại biểu đã có cơ hội đeo chiếc tai nghe Oculus để trải nghiệm hành trình thực tế ảo.
Các giải pháp kết nối đã được Facebook đưa ra tại Lima, trong đó có một mô hình mục tiêu giả, sử dụng năng lượng mặt trời mà Facebook sẽ dùng để phân phối internet ở vùng sâu vùng xa.
Người phát ngôn Facebook Alan Cooper cho biết, về kết nối, công ty này đang phối hợp với các đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực công nghiệp viễn thông nhằm đạt được điều này, nhưng đồng thời họ cũng đang phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng riêng của mình: "Công nghệ ấy không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng hiện tại. Rất nhiều những điều chúng ta đang làm, đang xây dựng sẽ thực sự giải phóng những yếu tố mang tính kinh tế hơn hẳn trong quá trình phát triển và cung cấp internet, các vật thể bay không người lái, những giải pháp dựa trên mức độ tăng tốc hệ thống wi-fi có sẵn công khai ở khu vực thành thị".
Chưa đáng lo về trí tuệ nhân tạo
Lĩnh vực khác mà Facebook hiện đang đầu tư là trí thông minh nhân tạo. Mạng lưới neuron trí tuệ nhân tạo của Công ty đang tích cực “học tập” ngôn ngữ của con người, sản xuất ra khoảng 2 tỷ bản dịch tự động mỗi ngày trên Facebook.com, giúp xây dựng các thuật toán dịch thuật tiên tiến...
Nhưng đó không phải là tất cả, theo Mark Zuckerberg, phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo – Artificial Inteligence) mà Facebook đang hoạt động trên đó cũng có thể sử dụng để quét và làm nổi bật dữ liệu, đồng thời không để cho nó dẫn tới xung đột thông tin.
Dù vậy, bất chấp những ý định kế hoạch, cách thức hay ho mà Facebook đang làm khi xử lý các nội dung, kể cả cả các cuộc trò chuyện của người dùng, Công ty này vẫn đối mặt với những chỉ trích từ các chuyên gia an ninh vì một loạt các vấn đề, kể cả vấn đề về lỗ hổng trong công nghệ mã hóa.
Đại diện Facebook nói rằng, công ty đã đầu tư rất nhiều để đảm bảo quyền riêng tư và các dự án dịch tự động hiện chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm, chứ không phải là công cụ để phân tích mọi thông tin qua mạng.