Khởi nghiệp có khi chỉ đơn giản là mua một chiếc xe đẩy và làm những chiếc bánh mì thật ngon để bán ở bất cứ nơi nào còn trống bên lề đường. Còn các CEO thành danh của các tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT nói gì về con đường đến thành công của các Startup Việt Nam.
Khởi nghiệp đừng chỉ nghĩ đến tiền
Giám đốc Chiến lược VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ về cơ hội thành công của Startup với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Nguồn: Dân Trí) |
Giao lưu cùng sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về chủ đề Cơ hội thành công của Startup Việt Nam hồi cuối tháng 8 vừa qua, Giám đốc Chiến lược của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Nguyễn Hữu Thái Hòa từng nói: Khi khởi nghiệp cần phải biết tìm ra cho mình cơ hội lớn từ thị trường ngách, những mảng chưa ai làm, phải tự tìm cơ hội và giải pháp tri thức; đừng đi vào những vấn đề lớn, cạnh tranh với những tập đoàn lớn với hàng chục nghìn nhân sự đã đi trước từ rất lâu.
Ông cho rằng, nếu tất cả các bạn trẻ, sinh viên khởi nghiệp đều sớm lao vào công cuộc đi kinh doanh kiếm tiền là cách hiểu méo mó, chỉ mang tính chất phong trào do 99% là dễ thất bại. Khởi nghiệp tưởng như không liên quan đến việc học, nhưng với các bạn trẻ, đây lại là điều rất quan trọng để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.
"Hiện xã hội, đặc biệt là giới trẻ cần suy nghĩ lại, thay đổi định nghĩa khởi nghiệp. Nói về khởi nghiệp, hầu hết người trẻ ở Việt Nam chỉ nói về startup kinh doanh. Tôi cảm giác tất cả các bạn trẻ khởi nghiệp đang lao vào công cuộc kiếm tiền và bản chất là vô cùng dễ thất bại nếu mục tiêu đặt ra là tiền. Đối với bạn trẻ, kinh nghiệm, sự từng trải... những thứ này chưa chắc đã ra tiền nhưng còn đáng quý và cần thiết hơn tiền rất nhiều" - ông Thái Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Thái Hòa, việc khởi nghiệp đang diễn ra như một phong trào chắc chắn sẽ thất bại, vì đại đa số sinh viên không thể làm ra tiền từ khởi nghiệp. Giai đoạn đang học, cần phải tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Giá trị của tuổi trẻ là sáng tạo, khao khát... rồi sau cùng hãy nghĩ tới tiền.
Khởi nghiệp là cách bắt đầu một công việc, một nghề và sự nghiệp phải tạo ra giá trị. Đích đến của khởi nghiệp không phải là tiền. Sáng tạo là điều quan trọng nhất, giá trị cốt lõi đối với bất cứ doanh nghiệp khởi nghiệp nào.
Những gì người khác đã làm thì tốt nhất là đi mua
Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về khởi nghiệp tại Vietnam ICT Summit 2016. (Nguồn: Vietnambiz) |
Trong khi đó, chia sẻ về nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam lần thứ 6 (Vietnam ICT Summit 2016), Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghiệp phụ trợ sẽ không quan trọng trong trường hợp chúng ta lại làm những gì thế giới đã làm. Đổi mới sáng tạo vốn dĩ là phải làm những thứ người ta chưa làm, những gì người ta đã làm rồi thì tốt nhất là đi mua sản phẩm đó.
Để thành công, trong cách suy nghĩ về đầu tư phát triển và đổi mới sáng tạo cũng cần phải khác đi. Chẳng hạn, nếu lấy lợi nhuận từ thành công của Nguyễn Hà Đông – tác giả game Flappy Bird chia cho 1 triệu người khác không thành công, thì mỗi người chỉ được khoảng 1 USD. Mô hình chỉ 1 người thành công như Nguyễn Hà Đông trong số 1 triệu người sẽ là mô hình rất làm nản lòng mọi người, nên tính đến mô hình làm sao cả 1 triệu người cùng thành công nhưng mỗi người sẽ phải có mức thu nhập 100 USD.
Chúng ta chỉ cần làm những việc nhỏ ngay xung quanh mình để tăng khả năng 1 triệu người cùng có 100 triệu USD. Mô hình 1 triệu người có 100 USD tốt ở chỗ giải được bài toán mang đặc trưng hết sức Việt Nam. Điều quan trọng hơn là người Việt sẽ không phải làm thuê cho công ty nước ngoài, bởi đã dùng công cụ của nước ngoài thì ít nhiều đang làm thuê cho họ.
Người khởi nghiệp thường có tâm lý muốn làm việc dễ, nhưng trái lại những doanh nghiệp thường nghĩ đến những gì to tát nên cùng lúc cả hai đối tượng đều gặp nhiều khó khăn vì gặp bài toán khó. Lúc đó, thay vì tự tìm cách giải, doanh nghiệp cần nghĩ đến những những công cụ chuyển đổi những bài toán khó thành những bài toán dễ hơn để ai cũng giải được bài toán đó. Khi ấy, tất cả đều thành công.
Người khởi nghiệp hoàn toàn có thể bán đi món đồ giá trị cuối cùng của mình, vay tiền bố mẹ, bạn bè để khởi nghiệp. Chỉ cần một ý tưởng thành hình sản phẩm, ắt sẽ có nhiều người rót tiền vào để hỗ trợ cá nhân khởi nghiệp thành công. Doanh nghiệp có thị trường nên cứ thấy cơ hội là thường đổ cả tỷ đồng đầu tư, nhưng với một người bình thường, việc khởi nghiệp có khi chỉ cần 20 triệu đồng. Hãy thay đổi cách suy nghĩ, thay vì vay mượn, xin hỗ trợ hãy bỏ chính đồng tiền của mình ra để đầu tư khởi nghiệp, vì tâm lý rất tự nhiên của con người là chỉ khi rất đam mê một điều gì đó người ta mới đầu tư những đồng tiền của chính mình.
"Trên thế giới cũng chưa có mô hình khởi nghiệp nào có đến hai nước cùng thành công. Vì thế, thay bằng việc dập khuôn nước ngoài, mô hình khởi nghiệp của Việt Nam nên thực thi theo đúng mô hình của Việt Nam. Bởi lẽ, mô hình khởi nghiệp của Việt Nam dựa trên văn hóa Việt Nam với niềm tin mãnh liệt, đó là thế giới hiện nay đổi mới sáng tạo từng giây, đến mức mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt. Mỗi khách hàng cần được lắng nghe, cần được phục vụ một cách riêng biệt, do vậy, không một dân tộc nào, đất nước nào phù hợp hơn cho giai đoạn này bằng Việt Nam" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Startup không phải là công việc thời vụ
Doanh nhân Trương Mạnh Quân - sáng lập, kiêm CEO Beekating lọt vào danh sách "30 Under 30" của Forbes Việt Nam 2016. (Nguồn: Forbes) |
Ở một góc nhìn khác, tại sự kiện các CEO trẻ truyền lửa khởi nghiệp cho sinh viên Đại học FPT, doanh nhân Trương Mạnh Quân - người sáng lập, kiêm CEO của Beekating chia sẻ: “Khởi nghiệp không phải là việc làm 1 – 2 lần. Với tôi, đó là việc làm nhiều lần, là việc cả đời”. Beekating là một giải pháp marketing trợ giúp bán hàng online, hiện được hơn 30 doanh nghiệp của Mỹ tin dùng như một giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp của họ, lợi nhuận mỗi tháng tăng từ 30 – 50%.
Khởi nghiệp ở Việt Nam hiện đang có cơ hội rất lớn, tuy nhiên các bạn trẻ cần bắt đầu từ những việc nhỏ trước khi làm những bước lớn hơn. Điều quan trọng hơn là luôn cố gắng học hỏi từ những người đi trước. Bản thân Beekaing đã phát triển rất nhanh trong những năm vừa qua bởi nhận được sự cố vấn của các nhà cố vấn hàng đầu ở Việt Nam, Nhật Bản, Singapore và Silicon Valley.
Khởi nghiệp là chạy đường trường, gặp vô số thử thách, con đường bạn phải vượt qua bạn đều chưa từng đi qua. Dù là người liên tục khởi nghiệp thì mỗi lần khởi nghiệp luôn là hành trình chinh phục cái mới.
Khởi nghiệp cũng là một loại thời cơ
Doanh nhân Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT. (Nguồn: Ceofpt) |
Tại buổi làm việc giữa một số đơn vị chức năng của Bộ Thông tin & Truyền thông với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, hồi 5 vừa qua, doanh nhân Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc FPT đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam.
Ưu thế của Việt Nam là đội ngũ thanh niên đông và tiếp thu công nghệ nhanh, có nhiều ý tưởng. Nhưng những yếu tố này vẫn chưa đủ, mà còn cần phải có tri thức về công nghệ, ngoại ngữ và cả về quản trị công ty. Đặc biệt, khi chúng ta tham gia vào nền kinh tế số của thế giới - một nền kinh tế không giới hạn biên giới, thì việc đào tạo ngoại ngữ và quản trị công ty, bên cạnh đào tạo công nghệ lại càng cần thiết.
Riêng về công nghệ, hiện nay ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam đang có những lạc hậu nhất định về chương trình, chưa cập nhật được kiến thức về những công nghệ mới nhất. Đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ví dụ, mỗi năm FPT cần từ 3.000 - 4.000 lập trình viên nhưng không bao giờ tuyển đủ. Một trong những cản trở sự phát triển của FPT hiện nay chính là khó khăn về nguồn lực. Mặc dù cả nước có nhiều cơ sở đào tạo nhưng sau khi tuyển về, để đạt yêu cầu của doanh nghiệp cũng không phải dễ, bản thân FPT cũng đã phải đào tạo thêm rất nhiều.
Các doanh nghiệp nhỏ có thế mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp, ngược lại, các doanh nghiệp vừa và cả các doanh nghiệp lớn như FPT không mạnh. FPT đã chuyển sang hướng thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Khởi nghiệp cũng là một loại thời cơ. Hiện nay, mỗi năm FPT bỏ ra khoảng 2 triệu USD vào Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tham gia cùng các Quỹ khác thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để sao cho có được sản phẩm mới và nấc cao hơn nữa là thương mại hóa được sản phẩm đó.