📞

Chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch Ebola

15:01 | 30/03/2016
Đó là khẳng định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/3. WHO cũng cho biết có thể kiểm soát các trường hợp nhiễm Ebola ở những quốc gia bị ảnh hưởng.
Một khẩu hiệu phòng chống Ebola được vẽ trên tường ở Monrovia. (Nguồn: AFP)

Dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi từ tháng 12/2013 và đến nay đã làm chết hơn 11.300 người, chủ yếu tại các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. Vào giai đoạn bùng phát dữ dội năm 2014, sự lây lan của Ebola đã khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Nhiều quốc gia phải áp dụng chính sách cấm đi lại đối với những người đến từ vùng có dịch.

Trong giai đoạn đầu, WHO đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt liên quan đến công tác đối phó với Ebola, bao gồm cáo buộc cơ quan này đã che giấu mức độ nguy hiểm của dịch. Vì vậy, tháng 5/2015, WHO đã triển khai kế hoạch cải tổ hệ thống phản ứng khẩn cấp trên toàn thế giới.

Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, cho rằng dịch Ebola vẫn có khả năng bùng phát trở lại tại các nước Tây Phi, đặc biệt là Guinea. Bà nói: “Nguy cơ lây lan ra quốc tế của Ebola hiện ở mức thấp, nhưng các quốc gia vẫn phải tăng cường năng lực đối phó với dịch bệnh trong những tình huống khẩn cấp”.

Bà Chan cũng nhấn mạnh các nước không nên chủ quan mà phải thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng những diễn biến của dịch. Theo vị Tổng Giám đốc WHO, “các cộng đồng dân cư cần phối hợp tích cực với chính phủ, những trường hợp nhiễm bệnh cần nhanh chóng được cách ly và xử lý”.

Ngoài ra, bà Chan kêu gọi đẩy mạnh quá trình nghiên cứu phát triển vaccine chống Ebola cũng như các phương pháp chẩn đoán bệnh. WHO hiện đang phát triển những thiết bị xét nghiệm Ebola theo hướng nhỏ gọn hơn để có thể triển khai đến các khu vực xa xôi ở châu Phi.

(theo AFP)