📞

Chân dung lãnh đạo G7 được tạc tượng bằng rác thải điện tử

Thế Linh 16:09 | 10/06/2021
Một tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Cornwall (Anh) đã dựng chân dung lãnh đạo các quốc gia G7 bằng rác thải điện tử, vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở hạt Cornwall, miền Tây Nam nước Anh tuần này, họ có thể chứng kiến gương mặt của mình trên một tác phẩm điêu khắc lớn được làm từ rác thải điện tử.

Tác phẩm 'Núi Recyclemore'. Từ trái qua: Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Reuters)

Tác phẩm có tên là Núi Recyclemore, nằm trên cồn bãi biển đối diện với khách sạn Carbis Bay, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ Núi Rushmore, tác phẩm tạc gương mặt 4 Tổng thống Mỹ (bao gồm George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln) nổi tiếng.

Recyclemore mô tả gương mặt của các nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Mario Draghi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Nhà điêu khắc Joe Rush, tác giả của tác phẩm lạ thường này, cho biết ông đã được nhà bán lẻ bán đồ điện tử cũ của Anh musicMagpie tài trợ. Mục đích của tác phẩm là để kêu gọi sự chú ý đến các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải điện tử gây ra.

Ông Rush hy vọng, thông qua tác phẩm này, các nhà lãnh đạo có thể nhận ra được tác hại của rác thải điện tử, đồng thời có những biện pháp sản xuất thiết bị điện tử có thể tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm có ích khác một cách dễ dàng hơn.

“Thông điệp chính của tác phẩm này là việc các nhà lãnh đạo cần phải trao đổi với nhau và cùng chung tay giải quyết mớ hỗn độn do các loại rác thải điện tử gây ra”, ông Rush nhấn mạnh.

Tác phẩm được làm từ sắt vụn cũ, bàn phím, điện thoại, bảng mạch, iPad, màn hình máy tính và các vật dụng không mong muốn khác.

Rác thải điện tử thường chứa các hóa chất nguy hiểm có thể trở thành mối nguy hại cho môi trường khi được đốt hoặc đổ ở bãi chôn lấp. Liên hợp quốc và Liên minh Viễn thông Quốc tế ước tính rằng, năm 2019 thế giới xuất hiện 53,6 triệu tấn chất thải điện tử - mức cao nhất mọi thời đại.

Trong một tuyên bố, musicMagpie cho biết: “Rác thải điện tử gây ra một mối đe dọa to lớn đối với môi trường - và các quốc gia phát triển sản xuất chúng nhiều nhất”. Trong đó, 4 quốc gia G7 gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh là những nước tao ra nhiều rác thải điện tử hàng đầu thế giới.

(theo BBC)