Viện Chính sách Xã hội châu Á (ASPI) vừa công bố một báo cáo kêu gọi tìm ra một cách tiếp cận mới cho các vấn đề kinh tế và an ninh trong khu vực. Giám đốc dự án của báo cáo này cho rằng sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Triều Tiên và sự chi phối của Mỹ và Trung Quốc trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề này đặt ra nhu cầu về một cơ cấu đa phương mạnh mẽ hơn tại châu Á.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) là một diễn đàn quan trọng các nước cần đẩy mạnh để giải quyết các vấn đề khu vực. (Nguồn: asean.org) |
Báo cáo có tên gọi Duy trì nền Hòa bình lâu dài ở châu Á lập luận các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn dắt và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) đều có sự hiện diện của Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy, những cơ chế này cần được củng cố để làm khuôn khổ cho các cuộc thảo luận về các vấn đề khu vực và ngăn chặn xu thế nhiều quốc gia chỉ “lựa chọn” các diễn đàn có lợi hơn cho các lợi ích của họ.
Lindsey Ford, Giám đốc phụ trách Các vấn đề Chính sách - An ninh tại ASPI phát biểu trong cuộc phỏng vấn báo chí rằng các nước lớn cần thể hiện rằng họ đang thích nghi với những quan điểm của các nước nhỏ hơn trong khu vực, chứ không chỉ theo đuổi lập trường của kẻ mạnh.
Báo cáo trên được đưa ra nhằm phản ánh quan điểm đồng thuận của Hội đồng Độc lập về Cấu trúc An ninh Khu vực thuộc ASPI, do cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd làm chủ tịch. Trong số các thành viên khác của hội đồng này còn có Thomas E. Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Những nỗ lực nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể sẽ là trọng tâm của một cuộc gặp dự kiến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, cách tiếp cận để đối phó với những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nói trên chính là một điển hình cho các kênh đối thoại song phương mà ASPI coi là “không thích hợp để giải quyết đa số các vấn đề nhức nhối nhất của khu vực, chẳng hạn sự phổ biến hạt nhân, thảm họa thiên tai, bạo lực cực đoan, các mối đe dọa an ninh mạng… vốn cần có sự hợp tác của toàn khu vực để có thể đối phó”.
Báo cáo của ASPI kêu gọi có thêm các cuộc đối thoại về những vấn đề an ninh tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), một diễn đàn bao gồm 10 thành viên ASEAN và 8 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Tương tự, EAS cũng nên xây dựng năng lực tổ chức bằng cách thành lập các nhóm làm việc tạm thời có trách nhiệm phát triển các kế hoạch về từng chủ đề chính sách an ninh riêng biệt.
ASPI cũng cho rằng, sự chi phối của Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề khu vực đã gây nhiều trở ngại trong việc tìm ra sự nhất trí trong khu vực đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc làm phương tiện bảo vệ đất nước này trước các nguy cơ tấn công từ Triều Tiên. Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang giữ chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Theo ASPI, nhiều quốc gia trong khu vực cảm thấy bị giằng xé giữa sự phụ thuộc của họ vào chiếc ô an ninh của Mỹ và ảnh hưởng kinh tế đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.