Giới chuyên gia kêu gọi các nước EU chi tiêu có mục tiêu hơn trong cuộc khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Epa/Dpa) |
Các nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels (Bỉ) đã đưa ra con số trên trong báo cáo công bố ngày 13/2.
Theo Bruegel, kể từ tháng 9/2021, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ hoặc có kế hoạch phân bổ tổng cộng 681 tỷ Euro để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp do giá khí đốt và năng lượng tăng cao.
Trong khi đó, Anh chi 103 tỷ Euro và Na Uy chi 8,1 tỷ Euro. Như vậy, các quốc gia châu Âu chi tổng cộng 792 tỷ Euro để giải quyết bài toán năng lượng, tăng so với mức 706 tỷ Euro trong báo cáo đánh giá gần đây nhất của Bruegel công bố vào tháng 11/2022 khi các nước chật vật vượt qua mùa Đông trong bối cảnh Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Chi tiêu của các quốc gia EU trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện cũng cao hơn so với quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ USD.
Các chuyên gia cho biết Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, là nước chi nhiều nhất cho các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, với gần 270 tỷ Euro.
Tiếp đến là Anh, Italy và Pháp, mỗi nước chi khoảng 150 tỷ Euro. Nếu tính bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là những nước chi tiêu nhiều nhất để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng vọt.
Cũng theo Bruegel, chính phủ các nước EU hiện chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ không có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu hoặc áp mức trần giá điện bán lẻ.
Các chuyên gia của Bruegel cho rằng, các nước EU cần thay đổi hướng tiếp cận trong bối cảnh không gian tài chính đang thu hẹp khi phải duy trì một nguồn tài trợ lớn cho lĩnh vực năng lượng.
Nhà phân tích Giovanni Sgaravatti khuyến nghị, thay vì đưa ra các biện pháp trợ giá mà trên thực tế là trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, các chính phủ EU cần bổ sung các chính sách hỗ trợ thu nhập.