📞

Châu Âu đối mặt với khủng hoảng di cư trái phép

13:30 | 20/04/2015
Reuters đưa tin, việc 700 người châu Phi di cư trái phép được cho đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu ngoài khơi Libya hôm 18/4 đã khiến châu Âu phải xem xét lại chính sách đối với người di cư cũng như việc hỗ trợ cho các khu vực bất ổn như châu Phi và Trung Đông.
Những người di cư châu Phi được đưa về cảng Pozzallo, Sicily, miền Nam Italy. (Nguồn: AP)

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Ngoại trưởng các nước châu Âu sẽ nhóm họp khẩn vào ngày 20/4 tại Luxembourg để thảo luận về vấn đề người di cư. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đang xem xét tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh châu Âu nhằm đưa ra những chính sách mới đối với vấn đề này.

Trong ngày 19/4, các tàu tuần duyên và máy bay trực thăng của Italy đã nỗ lực tìm kiếm những người sống sót trong vụ đắm tàu ngoài khơi Libya. Cho đến nay, chỉ có 28 người được cứu hộ và 24 thi thể được tìm thấy, theo giới chức Italy.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng EU phải nỗ lực hơn nữa trong việc cứu hộ và ngăn chặn các thảm kịch trên biển. “Châu Âu cần thêm tàu và máy bay cứu hộ, cũng như quyết liệt chống lại hoạt động buôn người”, ông Hollande nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, Thủ tướng Italy Matteo Renzi khẳng định cộng đồng quốc tế cần xác định và ngăn chặn những kẻ buôn người đang tranh thủ trục lợi từ tình hình hỗn loạn ở Trung Đông – Bắc Phi.

“Chúng tôi không muốn những người di cư rơi vào tay những kẻ buôn người. Và chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung sức thực hiện sứ mệnh này”, ông Renzi nói.

Chương trình cứu hộ “Biển của chúng ta” (Mare Nostrum) của Italy đã kết thúc hồi năm ngoái do nước này không kham nổi chi phí cũng như các chính trị gia Italy cho rằng chương trình này có thể càng khiến những người di cư châu Phi liều mình vượt biển đến châu Âu.

Hiện nay, EU đang triển khai chiến dịch kiểm soát biên giới mang tên Triton, sử dụng ít tàu hơn và hoạt động trên khu vực hẹp hơn. Vì vậy, ông Justin Forsyth, Giám đốc điều hành của tổ chức cứu trợ Save the Children, đã lên tiếng thúc giục EU tái khởi động các hoạt động cứu hộ như trước đây. “Những gì đang xảy ra ở Địa Trung Hải không phải là tai nạn mà là hậu quả trực tiếp từ chính sách của chúng ta”, ông Forsyth nói.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế ước tính khoảng 20.000 người di cư đã đến bờ biển Italy trong năm nay, riêng trong tuần qua là 13.000 người. Số người vượt biển dự kiến còn tăng hơn nữa khi điều kiện thời tiết cải thiện. Trong năm 2014, có đến 170.000 người di cư từ châu Phi-Trung Đông đã đến Italy sau khi đã vượt qua 500 km đường biển, song vẫn có hơn 3.000 người đã bỏ mạng trên hành trình này.

Q.C (theo Reuters)