Theo trang Asiatimes.com ngày 16/9, đối với các cường quốc châu Âu như Anh và Pháp, việc tính toán sự tham gia của họ mang sức nặng hơn khi các nước này thực hiện lập trường ngày càng cứng rắn hơn trước các động thái đơn phương và sự quyết đoán của hải quân Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.
Cả Anh và Pháp đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cường quốc sở hữu hạt nhân với năng lực hải quân hùng mạnh. Hai nước này cũng có các lãnh thổ thuộc địa trong khu vực với những đối tác thương mại và đầu tư lớn.
Chiến lược chủ động của Pháp
Dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp áp dụng chiến lược chủ động trong khu vực với sự chủ ý nhằm vào Trung Quốc. Paris đã tăng cường các hoạt động can dự chiến lược trên toàn khu vực, mở rộng quan hệ quốc phòng và kinh tế với các cường quốc dân chủ cùng chí hướng như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và ở khu vực Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm năm 2018 tới khu vực, ông Macron đã kêu gọi thiết lập các liên minh chiến lược mới bao gồm trục Pháp-Australia-Ấn Độ để duy trì một trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Năm 2019, Pháp công bố một báo cáo chiến lược khu vực, trong đó tuyên bố “củng cố vị thế của mình như một cường quốc khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nỗ lực bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh của các công dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế”.
Trong những năm gần đây, Pháp đã ký kết những thỏa thuận quốc phòng lớn với các cường quốc đồng minh, bao gồm thỏa thuận tàu ngầm trị giá 38 tỷ USD với Hải quân Hoàng gia Australia và thỏa thuận máy bay chiến đấu phản lực Rafale trị giá 9,4 tỷ USD với Ấn Độ.
Trong chuyến thăm một cơ sở hải quân của Australia, Tổng thống Macron nói: “Chúng tôi không ngây thơ: Nếu chúng tôi muốn được Trung Quốc thừa nhận và tôn trọng như một đối tác bình đẳng, thì chúng tôi phải tự phối hợp (với các đối tác)”.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu năm, Tổng thống Macron nói với các lãnh đạo nước chủ nhà rằng các sáng kiến kinh tế của nước này không nên mang tính chất "một chiều" và thay vào đó phải đảm bảo lợi ích của các quốc gia đối tác.
Pháp cũng tăng cường sức mạnh hải quân của mình như một phần trong các nỗ lực rộng lớn hơn do Mỹ dẫn đầu nhằm duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển lân cận của Trung Quốc.
Năm 2019, Trung Quốc đã cố tình loại Pháp khỏi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sau khi khinh hạm Pháp Vendemiaire (F734) tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan.
Anh thúc đẩy sự hiện diện
Anh vẫn chưa thực sự dấn thân vào vùng biển châu Á và câu chuyện Anh rời Liên minh châu Âu (EU) chưa có hồi kết đang làm phức tạp mối quan hệ của London với khu vực, vốn được thấy rõ qua việc Pháp hủy bỏ quy chế “đối tác đối thoại” với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên.
Anh dự tính điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông. (Nguồn: SCMP) |
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở trong nước về việc Anh cần triển khai tàu chiến và kiểm soát sự quyết đoán hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủ tướng Boris Johnson được cho là đang dự tính điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới được chế tạo trị giá 3,1 tỷ bảng Anh (khoảng 3,9 tỷ USD) tới Biển Đông để phô trương lực lượng cũng như ủng hộ các đối tác quốc tế như Mỹ.
Nước Anh, đồng minh quan trọng của Mỹ, hiện đang cân nhắc động thái tiếp theo của mình. Tuần này, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến hành các cuộc tập trận để chuẩn bị cho các đợt triển khai ở những vùng lãnh hải xa hơn vào năm 2021. Tiếp theo trong lịch trình hoạt động của tàu HMS Queen Elizabeth là các cuộc tập trận chung với Mỹ có sự tham gia của máy bay chiến đấu F35 Lightning mới mua.
Nhận thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nghị sĩ Quốc hội Anh Andrew Bowie đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Johnson "mở rộng tầm mắt trước những mối đe dọa rõ ràng" do Trung Quốc gây ra và gánh vác trách nhiệm bằng cách triển khai tàu sân bay tới Tây Thái Bình Dương.
Vị nghị sĩ Anh, đồng thời là cựu sĩ quan hải quân cảnh báo: "Quy mô của hạm đội Trung Quốc và tốc độ phát triển của nó cần phải là một lời cảnh báo rõ ràng về quyết tâm trở thành siêu cường trên biển của Trung Quốc.
Với việc cả Mỹ và Australia hồi tháng 7 đều tiếp tục bác bỏ yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, đã đến lúc một nước Anh toàn cầu thực sự cần gánh vác trách nhiệm và đối mặt với sự xâm phạm tùy tiện và phi pháp này với sự quyết đoán mới”.
Trở lại năm 2017, ông Boris Johnson, khi đó đang giữ chức Ngoại trưởng Anh, gợi ý rằng Anh có khả năng sẽ triển khai tàu sân bay mới nhất của mình đến Biển Đông vào năm 2021.
Tuy nhiên, cường quốc châu Âu này vẫn đang hoàn thiện kế hoạch của mình khi cân nhắc khả năng đáp trả của Trung Quốc.
Có những dấu hiệu cho thấy London có lập trường cứng rắn chống lại Bắc Kinh, với việc Anh từ chối những thỏa thuận lớn với các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn do nhận thấy nguy cơ an ninh, khiến London trở thành một bên trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang giữa Mỹ và các đồng minh của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông hồi tháng 7, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh cáo buộc chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã “đầu độc nghiêm trọng bầu không khí của mối quan hệ Trung Quốc-Anh”, đồng thời cảnh báo những hậu quả lớn nếu Anh quyết định “kéo bè kéo cánh với Mỹ” ở Biển Đông.
Đức định hình chính sách
Đầu tháng 9/2020, Đức đã tiến vào các vùng biển châu Á thông qua một hướng dẫn chính sách dài 40 trang có tên gọi "Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", trong đó nói rằng cùng với các tham vọng khác, Berlin muốn “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Mục đích của định hướng này là xây dựng một khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị đối với khu vực và hình thành các điểm kết nối cho việc tăng cường hợp tác, kể cả trong chính sách an ninh, với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu nhân dịp chính phủ Đức thông qua định hướng nêu trên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định chính sách của phương Tây cũng ở cả phương Đông, trong đó khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức.
Với việc thông qua định hướng, chính phủ Đức mong muốn tăng cường quan hệ với khu vực quan trọng này, trong đó có xây dựng hợp tác trong các lĩnh vực như chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, thương mại tự do dựa trên các quy tắc, kết nối, số hóa..., đặc biệt trong chính sách an ninh.
Tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng khi xét đến việc Đức không sở hữu lãnh thổ trong khu vực cũng như không có năng lực hải quân lớn để thể hiện sức mạnh ở các đại dương xa xôi.