Có nguồn tin cho rằng, Đức đồng ý về nguyên tắc mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. (Nguồn: USAF) |
Theo báo cáo, hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu, gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu, trong giai đoạn 2017-2021 đã giảm 4,6% so với 5 năm trước đó.
Châu Á và châu Đại Dương vẫn là khu vực nhập khẩu vũ khí chủ yếu trong 5 năm qua, ghi nhận 43% hoạt động chuyển giao vũ khí toàn cầu, với 6 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, gồm Ấn Độ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan và Nhật Bản.
Trung Đông là thị trường nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chiếm 32% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Nhập khẩu vũ khí tại khu vực này ghi nhận mức tăng 3% trong 5 năm qua, chủ yếu do đầu tư ở Qatar trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng vùng Vịnh.
Đáng chú ý, châu Âu ghi nhận nhập khẩu vũ khí trong 5 năm qua tăng tới 19% so với 5 năm trước đó - mức tăng lớn nhất so với bất cứ khu vực nào trên thế giới.
Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman - đồng tác giả báo cáo - cho biết, châu Âu hiện đã trở thành "điểm nóng mới", với động lực quan trọng là 'sự xói mòn nghiêm trọng trong quan hệ giữa hầu hết các nước châu Âu và Nga".
Anh, Na Uy và Hà Lan là những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất ở châu Âu, trong khi nhập khẩu vũ khí của Ukraine rất hạn chế dù đã căng thẳng với Nga từ trước khi diễn ra xung đột hồi tháng trước.
Ông Wezeman nhận định, châu Âu sẽ tăng chi tiêu quân sự "không chỉ chút ít mà là rất nhiều" và phần lớn vũ khí mới là vũ khí nhập khẩu. Đơn cử Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự.
Trong khi đó, châu Mỹ và châu Phi ghi nhận nhập khẩu vũ khí giảm mạnh, lần lượt ở các mức là 36% và 34%, theo đó mỗi khu vực chiếm khoảng 6% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
Ở nhóm các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ vẫn duy trì vị thế dẫn đầu khi chiếm 39% xuất khẩu vũ khí toàn cầu và tăng 14% trong 5 năm qua.
Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, nhưng thị phần đã giảm xuống còn 19%. Pháp là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 với 11%, tiếp sau là Trung Quốc với 4,6% và Đức 4,5%.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Đức cho hay, về nguyên tắc, nước này đã quyết định mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ do Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin chế tạo để thay thế phi đội máy bay chiến đấu Tornado đã lỗi thời của nước này.
Tornado là máy bay phản lực duy nhất của Đức có khả năng mang bom hạt nhân của Mỹ, được lưu giữ ở Đức phòng trường hợp xảy ra xung đột. Không quân Đức đã sử dụng dòng máy bay phản lực này từ những năm 1980 và Berlin đang có kế hoạch loại bỏ nó trong giai đoạn từ năm 2025-2030.
Trước đó trong tháng 2, một nguồn tin quốc phòng Đức nói với hãng tin Reuters rằng Berlin đang có ý định mua F-35 nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.