Sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, tại Hội nghị thượng đỉnh Versailles, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định quyết tâm loại bỏ hoàn toàn năng lượng Nga trước năm 2027, bao gồm cả dầu mỏ, khí đốt và than đá.
Kể từ đó, châu Âu đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào dầu mỏ Nga, chỉ còn một số quốc gia, được cung cấp dầu qua đường ống, vẫn tiếp tục nhập khẩu nguồn năng lượng này.
Lượng nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 18% trong nửa đầu 2024, lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống cũng tăng trong 6 tháng đầu năm nay. (Nguồn: Oilprice) |
Tuy nhiên, tình hình đối với khí đốt lại phức tạp hơn nhiều. Do sự phụ thuộc sâu vào khí đốt từ Nga, EU đã không áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt. Vào mùa Hè năm 2022, Nga đã giảm mạnh xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu. Hậu quả là vào năm 2023, Nga chỉ cung cấp 15% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu, so với khoảng 38% vào năm 2021.
Mặc dù đã giảm phụ thuộc, nhưng trong thời gian gần đây, tình hình nhập khẩu khí đốt từ Nga lại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga đang dần chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường châu Âu.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), lượng nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 18% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga qua đường ống cũng tăng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Điều này cho thấy châu Âu không chỉ chưa tiến gần đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027 mà còn đang đi ngược lại xu hướng này.
Cảng Zeebruges của Bỉ là một trong ba cảng lớn ở châu Âu, nơi tiếp nhận phần lớn LNG từ Nga. Theo số liệu từ Bộ Năng lượng Bỉ, cảng này đã tăng lượng nhập khẩu LNG từ Nga trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2023, lượng nhập khẩu đã tăng hơn 11%. Trong nửa đầu năm 2024, Zeebruges đã tiếp nhận 64,25 TWh LNG từ Nga, trong khi con số này cho cả năm 2023 là 86,25 TWh.
Tuy nhiên, phần lớn lượng LNG từ Nga nhập khẩu vào cảng Zeebruges không được tiêu thụ trực tiếp tại Bỉ mà được chuyển tiếp, nghĩa là sau khi dỡ hàng từ tàu, khí được nạp lên tàu khác để xuất khẩu sang các thị trường khác, như châu Á và châu Phi. Một phần nhỏ LNG được hóa hơi và đưa vào mạng lưới khí đốt để xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia khác. Chỉ khoảng 28% lượng LNG Nga nhập vào Zeebruges trong năm 2023 được tiêu thụ nội địa tại Bỉ.
Châu Âu gần đây đã ban hành lệnh cấm chuyển tiếp LNG Nga đến các thị trường ngoài châu Âu. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2025 và sau thời điểm đó, công ty Fluxys của Bỉ sẽ không còn được phép dỡ LNG từ các tàu phá băng của Nga và nạp lên tàu khác để xuất khẩu sang các thị trường ngoài châu Âu. Điều này có thể giải thích lý do Nga tăng cường xuất khẩu LNG trong năm nay, nhằm tận dụng thời gian trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Dù vậy, châu Âu sẽ cần phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nếu muốn đạt được mục tiêu cắt đứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào năm 2027.
Một yếu tố khác có thể góp phần đẩy nhanh quá trình này là việc kết thúc thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine, dự kiến sẽ chấm dứt vào ngày 1/1/2025.
Việc châu Âu giảm hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt Nga trong vài năm tới vẫn còn là một thách thức lớn. Mặc dù đã có những bước tiến trong việc cắt giảm dầu mỏ Nga, nhưng LNG và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng khó thay thế trong ngắn hạn, đặc biệt khi nhập khẩu từ Nga đang tiếp tục tăng lên.