📞

​Châu Âu và Mỹ đối phó với "mầm họa" khủng bố trực tiếp trong nước

16:12 | 17/12/2017
Đó là cảnh báo của các chuyên gia nghiên cứu khủng bố thuộc tổ chức New America.

Làn sóng các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hồi hương sau thất bại của IS trên chiến trường Iraq và Syria tạo ra mối đe dọa đối với châu Âu và Mỹ là một thực tế. Tuy nhiên, chính phủ các nước cần đặc biệt cảnh giác với "mầm họa khủng bố" trực tiếp ngay trong nước, đó là những người đang sinh sống tại chính các quốc gia châu Âu và Mỹ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan.

Các chuyên gia nghiên cứu khủng bố Mỹ đã đưa ra cảnh báo nói trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về nguy cơ khủng bố tại các quốc gia châu Âu và Mỹ sau khi IS bị đánh bật khỏi khu vực Trung Đông.

Cảnh sát New York canh gác tại Quảng trường Thời Đại sau vụ 1 người đàn ông ôm bom đến ga xe bus liên bang Port Authority. (Nguồn: AFP)

Theo đánh giá của các chuyên gia khủng bố thuộc tổ chức New America, lực lượng chức năng hầu như không thể phát hiện âm mưu tấn công một khi các đối tượng quyết định đơn độc thực hiện các vụ khủng bố nhân danh IS hoặc al-Qaeda, bất kể các đối tượng này không có kinh nghiệm chiến đấu.

Các chuyên gia lấy 2 vụ tấn công mới đây ở New York, Mỹ làm dẫn chứng, trong đó, nghi phạm đều được xác định là các đối tượng đang sinh sống tại Mỹ và có một quá trình tự cực đoan hóa mà lực lượng chức năng không thể kiểm soát.

Do đó, các chuyên gia tin rằng các đối tượng tự cực đoan hóa chính là mối đe dọa chính đối với nhiều nước châu Âu và Mỹ hiện nay. 

Ngoài ra, ông Marc Sageman - cựu nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (CIA) và cũng là chuyên gia khủng bố, nhận định tại Pháp, Mỹ hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ không còn xảy ra những vụ tấn công quy mô lớn được lên kế hoạch từ nước ngoài như vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015, khiến 130 người thiệt mạng.

Gần đây hầu hết các vụ tấn công ở Mỹ và châu Âu đều được tiến hành theo hình thức "con sói đơn độc", không có sự chỉ đạo từ IS, song các đối tượng tấn công đều . 

Theo số liệu của New American, 85% trong tổng số 415 đối tượng bị cáo buộc phạm các tội danh liên quan đến IS ở Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 là công dân Mỹ, trong đó có tới 207 đối tượng được sinh ra tại Mỹ. Và chỉ 1/4 số đối tượng trên có tên trong hồ sơ của cảnh sát.

Thêm vào đó, kể từ năm 2014 đến nay, không có bất cứ cuộc tấn công thánh chiến ở Mỹ nào có liên quan tới hoạt động của IS hoặc mạng lưới của tổ chức này. Còn tại châu Âu, trong 19 vụ tấn công xảy ra, có 17 vụ được xác định không trực tiếp có yếu tố nước ngoài. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia khủng bố Mỹ cảnh báo IS đang mở rộng mạng lưới tại châu Âu sau khi tổ chức này bị đánh bật khỏi Syria và Iraq. Theo ông Bruce Hoffman, khoảng 2 đến 3 năm trước khi tiến hành vụ tấn công ở Pháp, IS đã thiết lập mạng lưới hoạt động ở nước ngoài, chuẩn bị cho sự thất thế tại chiến trường Trung Đông. Hiện này, mạng lưới này đang mở rộng toàn châu Âu.

Trong vụ tấn công khủng bố ở Manchester, Anh hồi tháng 5/2017, mạng lưới chân rết của IS hoạt động tại Benghazi, Libya được xác định là chỉ đạo vụ tấn công này. Ngoài ra, các tay súng IS hồi hương về châu Âu cũng tạo ra mối đe dọa lớn bởi những đối tượng này vẫn là một phần của mạng lưới khủng bố, có kỹ năng và động cơ rõ rệt.

(theo AFP)