Trong những ngày tháng cuối năm này, nếu cần bằng chứng về việc chuyện gì cũng đều có thể xảy ra thì chỉ cần nhìn về các nước châu Âu.
Một khi những cái thường đơn giản nay trở thành xa xỉ, cái đã được coi là đương nhiên giờ trở thành bất khả thi và cái được tôn vinh thành truyền thống cả ngàn đời nay hiện lại không thể được tiếp tục thì mới bộc lộ rõ hết cho châu Âu thấy thời nay là thời nào.
Châu Âu bước vào mùa Giáng sinh 2020 trong khi cách ly và giãn cách xã hội vẫn phải được áp dụng ở nhiều nơi. |
Châu Âu là nơi trên thế giới có cộng đồng đông đảo nhất người theo đạo Thiên chúa. Cho dù thuộc dòng Cơ đốc hay Tin lành hoặc chính thống thì đối với người theo đạo Thiên chúa, mùa Giáng sinh cùng với Giao thừa là thời gian được coi là linh thiêng nhất và trở nên không thể thiếu trong cuộc đời cũng như trong đời sống tâm linh của họ. Vậy mà chỉ con virus nhỏ nhoi mang phiên hiệu Sars-Covid-2 đã đủ để biến châu Âu vào mùa Giáng sinh và đón Giao thừa năm nay khắc khoải trong mơ ước "Bao giờ có lại ngày xưa".
Dịch bệnh này đâu còn có mới mẻ gì đối với châu lục. Châu lục đến nay đã chống trọi nó cả năm trời. Vậy mà đúng vào mùa châu Âu cần chế ngự và đẩy lùi đủ mức để truyền thống nói trên được tiếp tục chứ người dân không phải ước mơ truyền thống ấy được tiếp tục thì châu lục lại bị dịch bệnh hoành hành dữ dội và tàn phá tai hại hơn bao giờ hết.
Cách ly xã hội và giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người, không tổ chức Chợ Giáng sinh và mừng năm mới hiện được áp dụng ở gần hết các nơi trên châu lục. Vaccine phòng ngừa dịch bệnh tuy đã có và đã được cấp phép khẩn cấp nhưng biết đến bao giờ mới có thể có được tiêm chủng đại trà trên châu lục và hiện cũng chẳng thấy ai dám đảm bảo là với vaccine này có thể thật sự chế ngự và đẩy lùi dịch bệnh.
Khi ước mơ được tiếp tục truyền thống trở thành điều phi truyền thống, điều xưa nay chưa hề được nghĩ tới bởi cho rằng sẽ không bao giờ xảy ra thì cũng có nghĩa rằng nó chính là điềm bất lành mang tính số phận đối với châu lục này trong năm mới 2020. |
Ở nước Anh đã xuất hiện virus dịch bệnh biến thể, tuy không nguy hiểm hơn nhưng với khả năng lây lan cao hơn. Nước Anh còn chưa xử lý xong xuôi hết chuyện ly khai EU (Brexit) thì đã bị châu lục phong toả mọi tuyến thông thương và giao thương để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan từ đảo quốc sang châu lục.
Bi hay hài đây khi cái truyền thống đến mức đương nhiên giờ có khao khát mấy cũng chưa thể có được?
Bi hay hài đây khi các nước vốn luôn vỗ ngực là mẫu mực trên thế giới về tổ chức hệ thống quyền lực nhà nước và xã hội dân sự, về trình độ phát triển và hiện đại, về hệ thống y tế và chăm sóc sức khoẻ tiên tiến, về hệ thống bảo hiểm xã hội và phúc lợi xã hội hoàn hảo thì bây giờ đều vẫn chưa đánh bại được dịch bệnh.
Câu hỏi vì sao sẽ dẫn dắt đến cội nguồn của nhận thức. Vậy vì sao châu lục lại lâm vào tình cảnh thê thảm như hiện tại?
Để đối phó dịch bệnh thành công cần đồng thời có biện pháp chính sách đúng đắn và quyết tâm mạnh mẽ của nhà nước cùng với sự tham gia trách nhiệm của người dân. Nếu nhà nước thật sự vì cuộc sống và sức khoẻ của người dân cũng như nếu nhà nước được người dân thật sự tin cậy thì việc đối phó thành công dịch bệnh tuy không nhàn nhã nhưng chắc chắn thành công.
Ở châu Âu, điều này không thấy hiện hữu. Dịch bệnh tạo ra tình huống phơi bày ra hết tất cả mọi bất cập trong tổ chức hệ thống chính trị xã hội, đường lối chính sách của chính phủ, đồng thuận hay xung khắc về chính trị xã hội nội bộ ở các nước trên châu lục.
Khi ước mơ được tiếp tục truyền thống trở thành điều phi truyền thống, điều xưa nay chưa hề được nghĩ tới bởi cho rằng sẽ không bao giờ xảy ra thì cũng có nghĩa rằng nó chính là điềm bất lành mang tính số phận đối với châu lục này trong năm mới 2020.