Châu Phi thực sự là khối thị trường mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: Vinanet) |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia ở khu vực châu Phi; trao đổi thương mại hai chiều đã có mức tăng trưởng khả quan trong những năm qua.
Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi đạt 6,7 tỷ USD. Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông và chuyên gia đang là những lĩnh vực có nhiều chuyển biến trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Phi.
Với quy mô dân số khoảng 1,3 tỷ người, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, châu Phi thực sự là khối thị trường mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Lê Hoàng Tài, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi ngày càng đa dạng. Ngoài các mặt hàng như: nông sản, dệt may, da giày đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc, thiết bị phụ tùng...
Cùng với đó, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình và tăng cường liên kết khu vực nên dư địa để mở rộng hợp tác song phương là rất lớn.
“Đây là dịp để các tổ chức hỗ trợ, tư vấn kinh doanh và các doanh nghiệp tăng cường trao đổi, hiểu rõ hơn về tiềm năng, cũng như các cơ hội, thách thức và những điều cần lưu ý khi hợp tác thương mại với khối thị trường châu Phi. Qua đó, doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra những giải pháp hiệu quả. Từ đó, tiếp tục góp phần vào sự tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.
Phân tích tổng quan về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian vừa qua, bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, từ năm 2017 đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực này luôn tăng trưởng.
Đáng lưu ý, Việt Nam gần như xuất siêu tuyệt đối sang thị trường khu vực này, trong đó, Nam Phi là thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch năm 2020 đạt 681 triệu USD, tiếp đến là Ai Cập, Ghana, Côte d’Ivoire.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư sản xuất và xuất khẩu sang thị trường khối châu Phi. Hơn nữa, Việt Nam và các nước trong khối đã có quan hệ hợp tác kinh tế. Hiện đã có chuyên gia Việt Nam sang các nước châu Phi hỗ trợ phát triển trong một số lĩnh vực.
Châu Phi cũng là thị trường có nhu cầu lớn với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; nguồn lao động và tài nguyên dồi dào nên thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực thương mại.
Nhận định về các mặt hàng tiềm năng mà thị trường châu Phi có nhu cầu lớn, ông Cao Minh Tú, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi nhấn mạnh, nhóm hàng nông sản là ưu tiên hàng đầu; trong đó, năm 2020 châu Phi nhập khẩu gạo từ Việt Nam với trị giá 596,1 triệu USD.
Nhu cầu về mặt hàng này ngày một tăng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, vấn đề đảm bảo an ninh lượng thực được Chính phủ các nước châu Phi đặt lên hàng đầu. Tiếp đến là mặt hàng cà phê, hạt tiêu với nhu cầu tiêu dùng lớn trong khi sản xuất nội khối của châu Phi không đáp ứng đủ.
Về mặt hàng thuỷ sản, nhất là các loại cá nước ngọt ngày càng được người dân châu Phi ưa dùng do thay đổi thói quen tiêu dùng thịt sang các loại thuỷ sản. Hơn nữa, năng lực đánh bắt nuôi trồng một số loại thuỷ sản của các nước trong khối không cao.
Ngoài ra, nhóm hàng tiêu dùng như: dệt may, giày dép cũng còn nhiều dư địa xuất khẩu sang châu Phi, do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng.
Bên cạnh hai nhóm hàng trên, nhóm hàng thiết bị và vật tư y tế, xe máy và linh kiện, phụ tùng, máy phát điện, máy bơm nước là những mặt hàng có khả năng xuất khẩu thành công sang châu Phi.
Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường châu Phi được đánh giá còn lớn, nhưng các chuyên gia cũng như đại diện thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi bởi tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra.
Đáng lưu ý, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam, hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả 1 khoản phí, đặt cọc rồi chiếm dụng…
Theo đó, trước khi giao dịch, doanh nghiệp cần liên hệ với hệ thống thương vụ Việt Nam tại châu Phi nhờ hỗ trợ xác minh rõ ràng đối tác, đủ tin cậy mới tiến hành giao dịch. Mặt khác, trong hợp tác với doanh nghiệp châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới tập quán kinh doanh, thời gian, đặc biệt là ngôn ngữ để có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.