Mặc dù vậy, năm nay châu Phi vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn. Dự báo, lượng gạo nhập khẩu sẽ tăng thêm 2% lên 9,6 triệu tấn so với 9,4 triệu tấn năm 2008. Bất chấp sản lượng thu hoạch cao trong năm 2008 và nửa đầu năm 2009, cùng giá gạo thế giới có chiều hướng giảm, giá gạo tại các nước châu Phi vẫn cao so với thời điểm trước năm 2008.
Một số chính phủ đã phải tiếp tục sử dụng các biện pháp đã áp dụng từ năm ngoái để duy trì nhập khẩu gạo nhằm giảm nhiệt về giá trong nước và đề phòng khả năng thiếu hụt lương thực. Điển hình như Côte d’Ivoire có khả năng tăng lượng nhập khẩu gạo thêm 6% lên 900 nghìn tấn đồng thời, thuế nhập khẩu gạo đã được miễn trong suốt quý I/2009 để kiềm chế giá. Chính phủ Guinea thì thông báo nhập 450 nghìn tấn trong tháng 3 và trợ giá bán ra nhằm đối phó với việc giá gạo trong nước đứng ở mức cao. Tại Ghana, Chính phủ tiếp tục hoãn áp dụng quy định thuế nhập khẩu gạo được đưa ra từ năm ngoái. Dự báo, lượng gạo nhập khẩu của Senegal sẽ tăng 6% lên mức 900 nghìn tấn. Tanzania phải nhập 150 nghìn tấn gạo, tăng 50% so với năm trước.
Tương tự, Madagascar có thể phải nhập khẩu 100 nghìn tấn. Với Nam Phi, do không tự sản xuất được lúa gạo, trong khi nhu cầu trong nước tăng cao, nhập khẩu sẽ tăng 13% lên mức 900 nghìn tấn. Trong khi đó, các nước Burkina Faso, Guinea Bissau, Liberia, Niger và Sierra Leone có thể sẽ giảm được nhập khẩu gạo do được mùa và tăng lượng gạo dự trữ từ mùa vụ năm ngoái.
Tuy nhiên về lâu dài, các quốc gia châu Phi đã cam kết nỗ lực tự cung cấp đủ lương thực thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước. Sau một năm hoạt động, chương trình đã giúp 12 nước xây dựng kế hoạch, 9 nước bắt đầu triển khai kế hoạch mục tiêu trong năm nay. Liên minh phát triển gạo châu Phi (CARD) đã đặt mục tiêu đến năm 2018 tăng gấp đôi sản lượng gạo của châu lục, với một kế hoạch liên kết chiến lược dài hạn giữa Liên minh cách mạng xanh châu Phi và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản JICA.
Trang Nguyễn