TIN LIÊN QUAN | |
Thâm Quyến, làn gió trong lành vùng duyên hải TQ. Ghi chép của phóng viên TG&VN. | |
Lần đầu... lạc ở Bắc Kinh - Trải nghiệm của phóng viên báo TG&VN |
Tác giả ở Cổ trấn Châu Trang. |
Một chiều tháng Ba, chiếc xe giống như tuk tuk nhỏ nhắn vừa đủ hai người ngồi chở tôi đi trên con đường làng, lướt giữa những cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ trải dài ngút tầm mắt. Tôi và cô bạn chủ nhà trọ kiêm lái xe thích thú gửi tiếng cười vào gió. Tôi đã nghĩ Châu Trang là một cổ trấn nằm giữa nơi đông đúc phố thị nhưng xung quanh là ruộng đồng, kênh rạch. Hoá ra, đây vẫn là một vùng thôn quê bình dị đến thế!
"Venice của phương Đông"
Nằm cách thành phố Côn Sơn khoảng 40 km, Châu Trang là một trong những đô thị bên sông ra đời sớm và tiêu biểu nhất Trung Quốc. Được xây dựng trên hệ thống kênh mương cổ xưa của Trung Quốc, thị trấn có gần một ngàn năm lịch sử này từng là nơi buôn bán tấp nập của vùng Giang Nam. Tuy nhiên ngày nay, cảnh nhộn nhịp sầm uất đã không còn nữa, thay vào đó là bầu không khí cổ kính tĩnh lặng bao quanh những ngôi nhà rêu phong. Người Trung Quốc thường tự hào gọi Châu Trang là “thị trấn nước đệ nhất” hay “Venice của phương Đông”. Còn với khách du lịch, đây là một trong những địa điểm tham quan nhất định phải đến.
Sáng sớm, tiết trời Châu Trang trở lạnh. Chúng tôi ngồi trước hiên nhà nơi ngã ba con nước, vừa uống trà vừa ngắm mưa bay trấn cổ. Cuộc sống thường nhật trong làng diễn ra yên tĩnh lạ thường, thoảng có tiếng khoát nước của những con đò mỗi lúc một gần, tiếng hát ngân nga của người lái đò trong sự tán thưởng của những vị khách. Nhịp điệu chèo thuyền chầm chậm của người lái đò cùng mưa Xuân lất phất bay dường như làm cho thời gian chậm lại, ngưng đọng trong tâm trí người phương xa.
Mưa mải miết rơi, chúng tôi mang ô xuống phố. Cổ trấn hơn 900 năm tuổi ngày mưa vắng khách du lịch hơn. Đây đó những cây mộc lan trắng, những cây dương liễu phủ rèm xanh bên dòng kênh, càng làm tăng thêm nét tình và không gian thi vị của cổ trấn ngày Xuân.
Nước kênh sâu trong cổ trấn dòng xanh dòng đục. Những con thuyền ở Châu Trang được trang trí bằng vải lam truyền thống, mộc mạc và giản dị. Giọng ca người lái đò không điêu luyện mà chân chất. Bến thuyền đưa đón khách khiến tôi nhớ đến hình ảnh những tài tử, giai nhân Giang Nam dập dìu qua lại trong những bộ phim cổ trang của Trung Quốc.
Khoảng 60% ngôi nhà, 14 cây cầu đá cổ vòm bán nguyệt ở Châu Trang được xây dựng từ thời Minh - Thanh, trải qua năm tháng đã được tôn tạo nhưng vẫn còn những mảng tường lở, lộ những phiến gạch, những bức tường loang lổ in đậm dấu ấn thời gian.
Hoàng hôn buông xuống, cổ trấn lung linh dưới ánh đèn sắc vàng xanh đỏ. Đây là thời điểm ưa thích của các tay máy khi muốn ghi lại những bức ảnh đẹp nhất về Châu Trang.
Khi đèn trong nhà ngoài phố dần tắt, Châu Trang tĩnh lặng trong màn đêm, những con đường thưa thớt người qua lại. Đêm ấy, Trăng rằm soi bóng nước Giang Nam. Bến thuyền lặng im, chỉ còn hai chúng tôi ngồi bên dòng kênh, trò chuyện và thưởng thức ăn món đặc sản Châu Trang. Khi ấy, tôi thấy nơi đây thật thân thuộc, trong lòng dâng lên niềm nhớ quê.
Những ngày ở Châu Trang là những ngày mưa rải rác nhiều nhất trong chuyến đi lần này, chúng tôi chợt nhận ra cổ trấn Giang Nam trong mưa tình hơn trong nắng. Thứ ánh sáng bàng bạc của những ngày mây mù trời, của những màn mưa như phủ màn sương lên những ngôi nhà trắng mái đen. Thử chạm vào những cơn mưa cổ trấn mới thấy thi vị đến vậy!
Bên trong một cửa hàng dệt may thủ công ở Châu Trang. |
Những phút xao lòng
Đến Châu Trang, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng của nơi đây như bánh nếp xanh, đậu đỏ..., đặc biệt là hai món mặn nổi tiếng: chân giò Wansan và món cá bé xíu xiu được chiên vàng giòn hấp dẫn.
Ở Châu Trang có rất nhiều tiệm thời trang phổ thông mà bạn chỉ cần trả khoảng nửa giá là mua được món đồ. Chúng tôi quyết định ghé vào một cửa hàng dệt may thủ công. Cả gia đình từ cụ bà cụ ông đến cô gái trẻ ngồi lao động chăm chỉ bên khung cửi, máy khâu. Nhiều người ghé thăm nhưng ít người mua, bởi vải thô, dày và hoa văn đặc trưng ở vùng Châu Trang lấy màu trầm buồn chủ đạo là lam và trắng sữa khá kén người mặc. Dù du khách chỉ mua món đồ nhỏ như mũ, ví nhưng những người bán hàng vẫn rất vui vẻ, nhiệt tình.
Người Châu Trang chân chất, nồng hậu, dù là người bán hàng, người lái đò hay gia đình chủ quán trọ. Mười một giờ đêm, không cưỡng lại cơn thèm món chân giò Wansan, tôi nhờ chủ nhà trọ quay nóng bằng lò vi sóng. Thật bất ngờ, tôi nhận lại đĩa chân giò nóng hổi được thái lát mỏng, có thêm nước sốt cùng hai bộ bát đũa cốc đã tráng nước nóng. Hay khi tôi trả phòng mà không thấy chủ nhà đâu, các bác hàng xóm liền kéo đến giúp.
Nếu coi mỗi địa danh là người thương thì trấn cổ ở vùng quê Tô Châu ấy từng bước mở cửa trái tim tôi. Châu Trang cần thời gian để cảm nhận. Nếu chỉ ghé nơi đây trong ngày rồi rời đi, có lẽ tôi sẽ nhìn cổ trấn ngàn năm này bằng ánh mắt khác, không quyến luyến, nhớ nhung như vậy, mà chỉ đọng lại những hàng quán, những đám đông khách du lịch vây kín những cây cầu, những ngôi nhà cổ kính...
Chúng tôi đi dạo về phía gần cổng chính chợt thấy trình chiếu về Châu Trang trên tường cổ, phía dưới là dòng kênh xanh lặng lẽ. Chương trình được phát mỗi tối, hình ảnh cây cầu đá nổi tiếng Song Kiều qua bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông lồng bản nhạc réo rắt giữa đêm gió lạnh, ngân vang xao lòng. Mỗi lượt chiếu chỉ vài phút, tôi đứng chôn chân xem vài lượt, trước mắt những cành liễu thả mình trong không trung, xung quanh đó những ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Minh - Thanh tường trắng, mái xám trầm mặc vượt thời gian. Châu Trang giàu cảm xúc hơn tôi tưởng!
Châu Trang là vùng đất phía Nam hạ lưu sông Dương Tử. Năm 1984, với chủ đề Kí ức quê hương, bức tranh sơn dầu Song Kiều của danh họa Trần Dật Phi, người con của vùng đất Giang Nam, được trưng bày ở phòng tranh của Armand Hammer tại thành phố New York (Mỹ) đã gây ngạc nhiên cho người Mỹ về vẻ đẹp cổ trấn sông nước Trung Hoa. Cùng năm đó, Armand Hammer đã tặng bức tranh cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Trung Quốc. Một năm sau, hình ảnh Châu Trang vươn xa hơn nữa khi được Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, lựa chọn in phát hành tem. Châu Trang từng được CNN bầu chọn vào danh sách 10 cổ trấn đẹp nhất thế giới. |
| Du lịch Trung Quốc đang kém hấp dẫn với khách phương Tây? Du khách Trung Quốc đang là nguồn đóng góp lớn nhất cho thị trường du lịch toàn cầu, song quốc gia châu Á với 5.000 ... |
| Người Trung Quốc đi du lịch để cải thiện hình ảnh đất nước Trung Quốc vừa triển khai một chương trình quảng bá những câu chuyện về người Trung Quốc du lịch nước ngoài có hành vi cư ... |
| Du lịch Trung Quốc: Liêu xiêu gã khổng lồ Nếu những “tai ương” không bất ngờ ập xuống, có lẽ chẳng lực cản nào có thể ngăn trở ngành du lịch khổng lồ Trung ... |