Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhận định, Covid-19 có thể sẽ là “phần tất yếu” của thế giới. “Khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus cúm hay những loại virus khác”.
Năm 2020, nước ta đã có chiến lược chống dịch Covid-19 hiệu quả - rất Việt Nam. Năm 2021 - bối cảnh mới, việc điều chỉnh chiến lược chống dịch, “sống chung an toàn với Covid-19” cần được hiểu thế nào? Cần những điều kiện gì để các hoạt động sản xuất và đời sống trở lại trạng thái “bình thường mới”?
Sự trỗi dậy của Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 với sự bùng nổ của chủng Delta đã làm thế giới một lần nữa phải điều chỉnh các chiến lược phòng chống dịch từ đường lối "Zero-Covid" sang giải pháp sống chung. |
Bài học kinh nghiệm từ thế giới - không để lò xo bị nén quá lâu
Ngay lập tức, các quốc gia đã có sự thay đổi chiến lược, với mục tiêu sống chung an toàn với dịch bệnh và giảm thiệt hại kinh tế do các biện pháp phong tỏa liên tục, kéo dài. Một số quốc gia trong cùng khu vực với nước ta cũng đã có những điều chỉnh lớn như Thái Lan, Indonesia - mở cửa nhiều hơn các dịch vụ và nhịp sống dần trở lại bình thường.
Tính đến thời điểm hiện tại, rất hiếm thành phố áp dụng đến mức tương đương của Chỉ thị 15, phần lớn chỉ áp dụng để mức tương đương Chỉ thị 19. Ở cấp độ giãn cách xã hội cao nhất, 75% các thành phố trong phạm vi nghiên cứu sử dụng các chính sách tương đương với các Chỉ thị 19 và 15 được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh.
25% các thành phố còn lại trong phạm vi nghiên cứu có mức giãn cách cao nhất tương đương Chỉ thị 15 và Chỉ thị 10 (15+) mà TP. Hồ Chí Minh áp dụng. Tất cả các thành phố trong phạm vi nghiên cứu đều cho phép các hoạt động liên quan tới sản xuất và cung ứng hàng thiết yếu, bao gồm việc giao hàng online từ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm hay nhà hàng, khi họ áp dụng cấp độ giãn cách xã hội ở cấp cao nhất trong khung của họ.
Số ngày giãn cách ở cấp độ cao nhất của các thành phố trong phạm vi nghiên cứu từ 51-55 ngày với mức độ giảm lưu lượng giao thông trung bình 38%-40%. Giãn cách lâu dài dường như tác động mang lại tâm lý mệt mỏi cho người dân. Theo những khảo sát online và phương pháp phân tích lắng nghe xã hội (social listening) căn cứ vào thông tin thu được từ các mạng xã hội, giãn cách kéo dài sẽ phát sinh sự chống đối của người dân.
Kết quả phân tích đánh giá hiệu quả giãn cách đối với thay đổi số mắc bệnh cũng không được khả quan. Số ngày giãn cách sẽ tác động trực tiếp đến sự sụt giảm lưu lượng giao thông nhưng mối liên hệ đối với thay đổi số mắc là khá yếu.
Nói như vậy không có nghĩa việc giãn cách không có tác dụng với việc giảm số mắc mà thực tế khi dịch xâm nhiễm rộng ở cộng đồng thì lây lan lại xảy ra ngay trong từng đơn vị dân nhỏ nhất, điển hình là lây trong hộ gia đình.
Vì vậy, giãn cách có hiệu quả cao trong khống chế dịch giai đoạn sớm, còn khi lan rộng cần rất nhiều giải pháp đồng bộ chứ không phải chỉ giãn cách và truy vết.
Vấn đề bùng nổ tiếp xúc cũng gặp phải ở tất cả các quốc gia sau khi dừng giãn cách. Điều này giống như lò xo bị nén, đến lúc nới là bật mạnh ra. Trong trường hợp mầm bệnh còn trong cộng đồng sẽ dẫn đến những sự kiện siêu lây nhiễm hoặc tái bùng phát dịch.
Nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia thậm chí kể cả Mỹ, Anh... sau một số ngày nới giãn cách đã phải phong tỏa trở lại bởi số ca mắc tăng đột biến. Điều này tạo ra nhiều làn sóng dịch và đỉnh dịch chính là thể hiện của kết quả khống chế dịch chứ không phải số mắc đạt ngưỡng do miễn dịch cộng đồng đến hạn.
Kết quả của hơn 1,5 năm chống dịch, các quốc gia tiên tiến đã điều chỉnh, thay đổi biện pháp cách ly phong tỏa cứng sang áp dụng các bộ chỉ tiêu dựa trên: tiêu chí dịch tễ; khả năng phản ứng của hệ thống y tế; độ phủ của vaccine và các tiêu chí phối hợp khác làm cơ sở để triển khai các cấp độ phản ứng với dịch bệnh. Các bộ tiêu chí này cũng phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Ở châu Á, có 5 quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản) đang vận hành các bộ tiêu chí này. Tương tự tiêu chí mà WHO khuyến cáo, 4 cấp độ được đưa ra theo thứ tự tăng dần về mức độ an toàn.
Trong đó dựa nhiều vào số bệnh nhân, số trường hợp tử vong, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, tỷ lệ tử vong/nhập viện và từ đó quyết định cấp độ đáp ứng.
Trong trường hợp xác định đã có đủ điều kiện để nới lỏng giãn cách, việc nới lỏng cũng không bất ngờ như trường hợp đã xảy ra tại Na Uy dẫn đến những cuộc tụ tập và nguy cơ lây nhiễm cũng như bất ổn xã hội. Các bước nới lỏng giãn cách được những quốc gia này thực hiện gồm 4 giai đoạn: tiêm chủng, chuẩn bị và thí điểm; chuyển tiếp tiêm chủng; hợp nhất tiêm chủng; và sau tiêm chủng.
Với cách tiếp cận như vậy cùng với việc tăng độ phủ của vaccine lên trên 70%, các thành phố được đánh giá đã từng bước trở lại với cuộc sống bình thường mới trong khi chấp nhận một tỷ lệ mắc Covid-19 ở ngưỡng chấp nhận được và không gây sập hệ thống khám chữa bệnh.
Vào lúc này, việc có được một bộ cẩm nang phòng chống dịch và sống chung an toàn với Covid-19 chung, tổng quát và có tính thực tiễn là hết sức cần thiết để giúp các địa phương định hướng lại công tác phòng chống dịch. Theo đó, công tác y tế phải đóng vai trò nòng cốt trong định hướng các hoạt động khác và các hoạt động kinh tế có thể theo đó mà vận hành phù hợp. Để có được điều này, khoa học công nghệ phải hỗ trợ công tác quản lý đối tượng, từ tiêm chủng tới dữ liệu dân cư. Không thể đánh giá mức độ an toàn nếu thiếu thông tin, sự minh bạch thông tin sẽ giúp hoạch định tốt hơn công tác phòng chống dịch. |
Thực tế từ các quốc gia áp dụng sống chung với Covid-19 cho thấy, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, tỷ lệ các trường hợp nặng cần can thiệp y tế sẽ giảm. (Ảnh: Hải Nguyễn) |
Việt Nam cần sớm áp dụng bộ tiêu chí an toàn để mở cửa
Năm 2021 đã qua 3/4 chặng đường, những dự báo - kỳ vọng bị đảo lộn bởi sự tàn phá khốc liệt của đợt dịch Covid-19 lần thứ Tư. Bối cảnh chống dịch hiện rất khác với 3 đợt dịch trước.
Rất khó để tưởng tượng ra khi Việt Nam phải chứng kiến tình trạng quá tải hệ thống y tế với gần 800 ngàn trường hợp mắc, hàng chục ngàn trường hợp tử vong chỉ khư trú vào một số thành phố phía Nam dẫn tới việc áp dụng khẩn cấp theo Chỉ thị 16 và hơn cả 16 trong một thời gian dài trên 100 ngày.
Cho dù thời điểm này, dịch đã được khống chế, kiểm soát ở các địa phương tâm dịch phía Nam, nhưng mỗi ngày, khu vực này vẫn có hàng ngàn ca lây nhiễm mới.
Rõ ràng, nhìn vào kinh nghiệm của các nước trên thế giới và lộ trình mở cửa của họ, yếu tố tiêm chủng với 4 giai đoạn kể trên chính là điều kiện tiên quyết cho vấn đề mở cửa.
Vấn đề là trong điều kiện vaccine hạn chế như hiện tại, chúng ta không thể chờ vaccine đủ phủ trên 90% cả nước được mà vẫn phải song song khôi phục kinh tế, vậy cần làm gì và làm như thế nào?
Trước tiên, về mặt định hướng chiến lược, với hơn 1,5 năm chống dịch, hệ thống văn bản hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 đã được kiện toàn, chỉnh sửa rất nhiều để theo kịp với tình hình thực tế của dịch bệnh nhưng cũng vì thế mà bị phân mảnh quá lớn.
Cùng là chống dịch nhưng hiện nay mỗi tỉnh làm một kiểu, thiếu nhất quán và phần nào đó kìm hãm hoạt động giao thương cũng như sản xuất. Trong cách làm của một số địa phương, phần nào thể hiện sự thiếu thông tin về dịch bệnh cũng như thiếu bằng chứng về khoa học nếu không muốn nói là cứng nhắc và không có cơ sở.
Đối chiếu với bộ tiêu chí của WHO, một số điểm có thể áp dụng ngay tại Việt Nam. Đối với tiêu chí dịch tễ, trước đây đã được sử dụng trong xây dựng bản đồ nguy cơ theo đó mức độ lây nhiễm được đánh giá bằng số lượng ca nhiễm mới và nhiễm theo thời gian.
Trong điều kiện hiện tại, tiêu chí này sẽ hạ đơn vị áp dụng xuống mức nhỏ nhất có thể như thay vì phường xã bằng tổ, thôn, ngõ… nhằm mục đích giảm thiệt hại khi tổ chức phong tỏa cứng diện hẹp.
Khi dịch có nguy cơ lan rộng hoặc dịch thâm nhiễm khó có thể về “không ca bệnh” thì tiêu chí ca bệnh có thể điều chỉnh từ số ca bệnh tuyệt đối sang tỷ lệ ca bệnh/100 ngàn dân để làm căn cứ ra quyết định.
Nhóm tiêu chí khả năng phản ứng của hệ thống y tế: cho phép ước tính ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế mà không quá tải ví dụ số lượng giường bệnh còn trống, số lượng máy thở còn trống, số giường hồi sức, giường ô xy còn trống. Nhóm tiêu chí độ phủ của vaccine và các tiêu chí phối hợp khác: có thể đặt ra các kịch bản, dựa vào tỷ lệ bao phủ của vaccine có thể ước tính được nguy cơ quá tải hệ thống y tế khi dịch bùng phát.
Thực tế từ các quốc gia áp dụng sống chung với Covid-19 cho thấy, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, tỷ lệ các trường hợp nặng cần can thiệp y tế sẽ giảm và khi tỷ lệ tiêm chủng đủ lớn sẽ giúp hệ thống điều trị không quá tải. Nhóm tiêu chí thứ 3 là cực kỳ quan trọng giúp ra quyết định cho mở cửa.
Tin liên quan |
Chính phủ quy định 4 cấp độ dịch để thích ứng an toàn với Covid-19 |
Vậy, theo lộ trình 4 giai đoạn ở trên, Việt Nam có thể có những kịch bản gì cho mở cửa và chung sống an toàn với Covid-19?
Khi tỷ lệ tiêm chủng chung dưới ngưỡng 50% cho mũi 1, rất ít cho mũi 2
Cần tiếp tục phải tăng cường các hoạt động kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm đến mức thấp nhất việc lây nhiễm. Bởi nếu có lây nhiễm sẽ đánh thẳng vào nhóm nguy cơ dẫn tới tỉ lệ tử vong cao trong nhóm này. Vì vậy, dù chỉ một vài trường hợp dương tính cũng phải tổ chức giãn cách tùy quy mô tác động.
Khi tỷ lệ tiêm chủng chung 50-70% cho mũi 1, dưới 30% cho mũi 2
Cân nhắc lại các cấp độ giãn cách xã hội, trong đó có cấp độ giãn cách cao nhất, và các hoạt động được phép và không được phép trong mỗi cấp độ giãn cách, để việc giãn cách được ổn định và hạn chế sự đứt gãy hệ thống chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu.
Ở mức bao phủ này có thể mạnh dạn mở lại các hoạt động dịch vụ trong xã hội nhưng vẫn tăng cường kiểm soát ca bệnh, các ca bệnh tán phát có thể kích hoạt giám sát và truy vết, nếu các trường hợp bệnh tăng bất thường lập tức phải quay lại xử lý như trường hợp 1.
Tỷ lệ tiêm chủng chung trên 70% cho mũi 1, dưới 50% cho mũi 2
Đánh giá lại lưu lượng giao thông cần thiết tương ứng với việc duy trì chuỗi cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu phù hợp với độ dài của kỳ giãn cách, cộng với nhu cầu ra khỏi nhà mua sắm thiết yếu của người dân (tạm gọi “ngưỡng lưu thông tối thiểu bền vững”), để có thể ước tính được ngưỡng giảm lưu lượng giao thông đã ở mức hợp lý hay chưa, từ đó giúp cho quyết định tăng cường hay nới lỏng giãn cách.
Ở giai đoạn này, việc mở cửa dễ dàng hơn trường hợp 2 trong đó bao gồm việc mở cửa lại trường học ngay cả trong trường hợp xuất hiện một vài ca tản phát trong cộng đồng. Tuy nhiên cũng tương tự trường hợp 2, nếu số ca bệnh tăng đột biến (thực tế khó xảy ra với độ phủ vaccine này) lập tức phải tăng cường các biện pháp dự phòng.
Tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 90%, tiêm mũi 2 trên 50%
Đây là ngưỡng khá an toàn và sẽ an toàn hơn khi toàn bộ nhóm người có bệnh lý nền, người già được tiêm chủng. Trong trường hợp đó, khả năng bùng phát dịch khó hơn nhiều và cơ bản các hoạt động của đời sống có thể nới lỏng và trở lại bình thường.
Tuy vậy, mọi tính toán chỉ đúng khi vaccine còn hiệu lực bảo vệ đối với chủng lưu hành, mọi biến chủng mới có khả năng vượt khỏi bảo vệ của vaccine đều có thể gây nguy cơ phá hủy những thành tự về tiêm chủng. Vì vậy, để chủ động hạn chế điều này, việc hạn chế các lây nhiễm là vô cùng cần thiết và góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu trong khống chế bệnh.
Đồng thời việc chủ động nguồn cung vaccine trong nước chính là cơ sở cho an ninh vaccine của Việt Nam. Điều này không bao giờ được phép quên bởi những bài học trong khống chế dịch bệnh trước đây, chỉ khi chủ động nguồn cung vaccine thì chúng ta mới thực sự an toàn trước dịch bệnh.
(*) Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
| Covid-19 sáng 9/10, Bình thường mới ở TP. Hồ Chí Minh, dịch nghiêm trọng tại Hà Nam; Triển khai thí điểm 23 đường bay nội địa Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 827.033 ca, trong đó có 754.303 bệnh nhân ... |
| Kháng thể Covid-19 ở người đã khỏi bệnh tồn tại bao lâu? Nhiều người từng mắc Covid-19 vẫn còn kháng thể sau 12 tháng, nhưng mức độ suy giảm dần so với 6 tháng trước đó. |