📞

Chế tạo tế bào gốc từ phôi người

10:37 | 25/05/2013
Sau hơn 15 năm thất bại, các nhà khoa học tại Oregon (Hoa Kỳ) cuối cùng đã chế tạo thành công tế bào gốc của con người bằng kỹ thuật nhân bản vô tính tương tự như trường hợp cừu Dolly năm 1996.
Lần đầu tiên chế tạo thành công tế bào gốc phôi người.

Phương pháp này được tiến hành bằng cách cấy vật liệu di truyền từ một tế bào trưởng thành vào tế bào trứng đã gỡ bỏ DNA. Kết quả thu được là các tế bào có khả năng biến đổi thành bất kỳ loại nào trong hơn 200 loại tế bào trong cơ thể con người. Nghiên cứu công bố ngày 15/5 trên tạp chí Cell này có thể làm sống lại lĩnh vực y học tế bào gốc trước đó đã vấp phải nhiều khó khăn do những vấn đề về kỹ thuật cũng như các phạm trù đạo đức.

Sử dụng trứng chưa được thụ tinh

Cho đến nay, nguồn gốc tự nhiên nhất của các tế bào gốc là từ phôi thai người, song hiện nay việc sử dụng phôi thai trong nghiên cứu không được ủng hộ về mặt đạo đức. Trong thí nghiệm mới nhất này, các nhà khoa học tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon và Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Oregon đã sử dụng trứng chưa được thụ tinh của người để thực hiện thí nghiệm.

Việc từ bỏ nhu cầu sử dụng phôi thai người có thể thúc đẩy những nỗ lực nghiên cứu sử dụng các tế bào gốc để thay thế các tế bào bị tổn thương hoặc bị phá hủy trong các bệnh tim mạch, Parkinson, đa xơ cứng, tổn thương tủy sống và các căn bệnh nặng khác. Tuy nhiên thành công này cũng có thể một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về sinh sản vô tính, hoặc sản xuất các bản sao di truyền con người (có thể còn sống hoặc thậm chí đã chết).

Ngay từ trước khi nghiên cứu được công bố, một nhóm giám sát của Anh có tên gọi Human Genetics đã phản đối mạnh mẽ. Tiến sĩ David King, chủ tịch nhóm này phát biểu: "Cuối cùng các nhà khoa học đã mang đến một công cụ để tạo ra những bản sao vô tính của con người, một phương pháp tạo ra phôi người nhân bản vô tính. Chúng ta cần sớm ngăn chặn hành động này bằng cách thông qua một điều luật quốc tế cấm nhân bản con người trước khi những nghiên cứu này tiến xa hơn. Đây là những nghiên cứu cực kỳ vô trách nhiệm."

Thành tựu để đời

Mặc dù vấp phải sự phản đối như vậy, nhưng trong giới khoa học thì công trình này được ca ngợi như một thành tựu để đời. Nhà sinh vật học về tế bào gốc George Daley của Viện Tế bào gốc Harvard, nhận định: "Nghiên cứu này là một thành tựu tuyệt vời. Họ đã làm được điều mà nhiều nhà khoa học khác phải chấp nhận thất bại, trong đó có tôi". Nếu nghiên cứu của các nhà khoa học Oregon có thể được nhân rộng tại các phòng thí nghiệm khác, chúng ta sẽ có một phương pháp sản xuất phôi tế bào gốc thứ 3 và có thể là phương pháp vượt trội nhất từ trước đến nay.

Nhờ vào thành công việc tạo ra tế bào gốc ở con người, nhóm nghiên cứu Oregon bác bỏ các giáo điều cho rằng có một yếu tố kỳ lạ ở trứng hay phôi thai của con người. Chuyên gia tế bào gốc Rudolf Jaenisch ở Viện Whitehead và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) cho biết: "Những dữ liệu từng công bố trước đây cho rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa con người và chuột hay các loài động vật khác đã được nhân bản vô tính, sự khác biệt này tạo ra một rào cản không thể vượt qua trong nhân bản con người".

Nhóm nghiên cứu Oregon đã tìm ra cách để các tế bào trứng hoạt động như thể nó đã được thụ tinh bằng cách giữ cho trứng trong một giai đoạn của chu kỳ tăng trưởng gọi là "metaphase", đó là khi DNA sắp thành hàng thẳng giữa tế bào trước khi tế bào phân chia. Các nhà khoa học đạt được kết quả tốt nhất khi nuôi dưỡng trứng trong môi trường có chứa caffeine.

Khi tiến hành thí nghiệm tương tự ở loài khỉ, các nhà khoa học Oregon dừng lại ở bước sản xuất các tế bào gốc và không cấy ghép các tế bào này vào cơ thể người mẹ. Theo ông Shoukhrat Mitalipov, trưởng nhóm nghiên cứu, sinh sản vô tính "không phải là mục đích của nhóm, chúng tôi cũng không cho rằng phát hiện của chúng tôi có thể được sử dụng bởi những người khác" để nhân bản con người.

Jaenisch của Viện Công nghệ Massachusett tán thành cách làm này, cho rằng nhóm khoa học Oregon đã không vượt quá phạm vi nghiên cứu tế bào gốc. Ông cho biết: "Nếu họ làm trái pháp luật và tiếp tục tiến hành cấy phôi, tôi cho rằng kết quả cũng sẽ tương tự như khi thí nghiệm ở chuột: hầu hết số chuột nhân bản chết khi sinh, và số còn lại gặp nhiều vấn đề khi già đi".

Mitalipov cho biết, dù vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa việc phát triển phương pháp điều trị tế bào gốc an toàn và hiệu quả, nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển các tế bào có thể được sử dụng trong y học tái tạo.

Đoàn Ngọc