📞

Check-in Đà Lạt mùa hồng rực đỏ

15:34 | 24/09/2022
Đến Đà Lạt vào đúng mùa hồng chín đỏ rực, du khách không chỉ được check-in dưới những vườn hồng đẹp mắt, mà còn được thưởng thức một số đặc sản thơm ngon làm từ quả hồng như hồng treo gió, hồng sấy dẻo, hồng giòn,...

Khách “mỏi tay” check-in mùa hồng chín ở Đà Lạt

Mùa hồng ở Đà Lạt thường bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài tới hết tháng 12. Tuy nhiên, từ tháng 10 trở đi mới là thời điểm hồng bước vào giai đoạn chín rộ nhất. Khi đó, quả hồng ngả sang màu cam rồi đỏ, lá cũng đổi màu, tạo khung cảnh lung linh màu sắc, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chụp hình.

Hàng năm, cứ độ cuối thu, du khách lại đổ xô về Đà Lạt tận hưởng mùa hồng chín. (Nguồn: Viet Anh Hoang)
Khung cảnh vườn hồng thơ mộng, ẩn hiện những quả chín đỏ, vàng trở thành background chụp hình được nhiều người yêu thích. (Nguồn: Ngọc Nga)

Theo đại diện một số vườn hồng ở Đà Lạt, năm nay hồng mất mùa. Cùng thời điểm này mọi năm, các cành hồng còn sai, trĩu quả. Tuy vậy, nhiều du khách từ các tỉnh thành vẫn đổ về Đà Lạt để tận hưởng và trải nghiệm một trong những thời điểm đẹp nhất trong năm tại thành phố ngàn hoa.

Nhiếp ảnh gia Quang Đà Lạt cho biết, từ đầu tháng 9, anh đã đón nhiều lượt khách từ khắp nơi tới chụp hình, trải nghiệm mùa hồng chín ở Đà Lạt. Trong đó, chủ yếu là phụ nữ, các em nhỏ và cả cặp đôi.

Những quán cà phê có cây hồng sai trĩu quả cũng là địa điểm chụp hình được nhiều du khách tìm đến khi ghé thăm Đà Lạt mùa hồng chín. (Nguồn: Quang Đà Lạt)
Sắc vàng, cam, đỏ của những quả hồng trên cây nổi bật giữa tán lá xanh. (Ảnh: Quang Đà Lạt)

Theo anh Quang, để có bộ ảnh đẹp với mùa hồng chín, du khách nên lựa chọn những trang phục có tông màu dễ lên hình như trắng, kem, vàng nhẹ,…

“Ở dưới tán cây hồng khá râm mát nên du khách chụp ảnh vào khoảng thời gian nào cũng đẹp, kể cả trời mưa hoặc khi không có nắng vì màu cam, đỏ của quả hồng khá nổi bật, dễ lên màu”, anh Quang nói.

Tùy điều kiện thời tiết từng năm mà mùa hồng có thể đến và kết thúc sớm hoặc muộn hơn. (Ảnh: Viet Anh Hoang)
Những quả hồng chín đỏ mọng, nổi bật trên cành cây rụng lá, khẳng khiu, thu hút du khách tới tham quan, chụp hình. (Ảnh: Ngọc Nga)

Nếu ghé thăm Đà Lạt mùa hồng chín, du khách có thể tới check-in tại một số tọa độ chụp hình đẹp như dọc đường đồi chè Cầu Đất, vườn hồng của người địa phương hay các quán cà phê trồng nhiều cây hồng,...

Ngoài chiêm ngưỡng, check-in trong khung cảnh vườn hồng thơ mộng, du khách còn có cơ hội trải nghiệm hoạt động thu hoạch hồng, quan sát và lựa chọn từng quả chín trên cây.

Nhiều du khách không khỏi thích thú khi được thưởng thức hồng chín ngay tại chỗ, cảm nhận vị ngọt hậu, mềm, mọng nước của loại quả mùa thu đặc trưng ở Đà Lạt.

Ghé thăm các vườn hồng Đà Lạt, du khách còn được thu hoạch hồng chín cùng người dân địa phương và thưởng thức những trái hồng chín đỏ mọng, ngọt lịm. (Ảnh: Viet Anh Hoang)

Thưởng thức loạt đặc sản nức tiếng từ quả hồng

Ở Đà Lạt hiện có khoảng vài chục giống hồng nhưng phổ biến và được mọi người biết đến nhiều hơn cả là hồng trứng lốc, đầu bằng, trứng láng, Chín Nên, trứng lửa, hồng Bomson, hồng Tám Hải, hồng vuông (hay còn đc gọi là hồng chén),...

Chị Ngọc Nga - chủ một cơ sở kinh doanh đặc sản tại Đà Lạt cho biết, mỗi loại hồng lại có thời điểm chín khác nhau. Tháng 9 sẽ nở rộ loại hồng Đà Lạt để làm món hồng sấy dẻo, tiếp đến là hồng vuông Tám Hải. Sau đó tới mùa hồng treo gió.

Mùa hồng chín cách nhau khoảng 3-4 tuần, kể từ khi bắt đầu vào mùa cho đến cuối mùa. (Ảnh: Viet Anh Hoang)
Các loại hồng chín đan xen nhau, lần lượt là hồng trứng lốc, đầu bằng, trứng láng, Chín Nên, trứng lửa, hồng Bom son, hồng Tám Hải, hồng vuông, hồng vuông đồng. (Ảnh: Ngọc Nga)

Nếu đến trực tiếp vườn, du khách có thể hái và ăn ngay những quả hồng chín đỏ như cà chua, vị ngọt lịm. Còn những trái có màu vàng, cam là chưa chín, ăn còn chát nên cần thêm thời gian và cách chế biến phù hợp mới có thể thưởng thức.

“Ở Đà Lạt còn có loại hồng giòn tự nhiên, không cần ủ hơi và có thể hái từ trên cây xuống ăn trực tiếp. Tuy nhiên, loại này rất khó trồng và còn rất ít ở Đà Lạt, mùa chỉ kéo dài trong khoảng một tháng nên giá thành cao”, chị Nga nói.

Hồng Đà Lạt nổi tiếng khắp nước về độ ngon, ngọt. Trong đó, hồng treo gió là đặc sản được nhiều người yêu thích nhất, thường mua về làm quà tặng người thân, bạn bè. (Ảnh: Ngọc Nga)
Đây là hồng giòn tự nhiên. (Ảnh: Ngọc Nga)
Hồng Chín Nên nức tiếng Đà Lạt được đem ủ hơi trong túi nilon bọc kín để làm thành món hồng giòn. (Ảnh: Ngọc Nga)

Ngoài hồng giòn, hồng treo gió, du khách cũng có thể thưởng thức một số đặc sản khác chế biến từ quả hồng như hồng sấy dẻo, rượu hồng,...

“Quả hồng không thể ép được như các loại quả khác và cần đủ ngày đủ tháng mới có thể cho ra chất lượng tốt nhất. Chất lượng quả cũng phụ thuộc một phần vào yếu tố thổ nhưỡng riêng của từng vùng trong thành phố”, chị Nga cho biết.

Tại Đà Lạt, vườn hồng trứng ngon nhất thường tập trung ở khu vực Hồ Tuyền Lâm, đèo Prenn hay hồng Chín Nên ở thị trấn D'ran. Ngoài ra còn có hồng vuông được trồng nhiều ở Khe Sanh và hồng giòn tự nhiên, hồng đầu bằng của vùng Đơn Dương, Cầu Đất là ngon nhất.

Với hồng trứng, người địa phương chủ yếu ủ thành hồng chín mọng, có màu đỏ bắt mắt hoặc chọn quả già để chín tự nhiên. Loại quả này cũng được đem ủ hơi để làm món hồng giòn nức tiếng Đà Lạt.

Hồng sấy dẻo có màu sắc đẹp mắt, được hút chân không và vận chuyển tới nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản Đà Lạt của thực khách thập phương. (Ảnh: Ngọc Nga)

Những quả hồng cuối mùa được mang đi làm món hồng treo gió. Còn những loại còn lại như hồng Tám Hải, hồng vuông với đặc trưng là quả lớn, dày và nhiều thịt thì được ủ chín để làm ra món hồng sấy dẻo.

Chị Nga nhận định, yếu tố quan trọng nhất để làm thành công món hồng sấy dẻo là phải canh được nhiệt độ, giúp thành phẩm lên màu đẹp mắt và có độ dẻo mềm chứ không bị chai cứng.

Món hồng treo gió đòi hỏi quy trình chế biến kỳ công, đảm bảo khép kín với các tiêu chuẩn về nhà lồng, nhân viên,... nghiêm ngặt. (Ảnh: Ngọc Nga)

Riêng món hồng treo gió thì cầu kỳ hơn, đòi hỏi quy trình sản xuất và an toàn vệ sinh nghiêm ngặt. Ngoài ra, món hồng treo gió làm theo phương pháp thủ công 100% còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết.

“Chúng tôi thường chờ gần cuối mùa hồng mới thu hoạch vì khi đó, những quả hồng đủ nắng đủ sương, đủ già, tươm mật để cho ra sản phẩm chất lượng tốt nhất cũng như giúp thành phẩm lên màu đẹp mắt”, chị Nga chia sẻ thêm.

Ngoài ra, rượu quả hồng cũng là sản phẩm du khách nên thưởng thức khi ghé thăm Đà Lạt. Những mẻ hồng sấy kém thẩm mỹ hoặc bị sai kỹ thuật như bị cháy góc, bị chai cứng sẽ được mang đi sơ chế và ngâm cùng rượu gạo tự nấu để tạo ra loại rượu thơm ngọt, dậy mùi vị đặc trưng của quả hồng.

(theo Vietnamnet)