📞

Chỉ cần đừng là Formosa thứ hai!

07:00 | 14/09/2016
Chỉ đạo đóng cửa nhà máy thép không đáp ứng quy chuẩn môi trường từ Chính phủ trong lúc dư luận khá ồn ào vì siêu dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận cho thấy, bài toán phát triển ngành thép không chỉ “nóng” trên thương trường.

Theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 mới đây, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ phối hợp Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép, xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Quyết đóng cửa nếu không đáp ứng quy chuẩn môi trường

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để đưa ngành thép vào đúng quỹ đạo phát triển, thời gian tới sẽ đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể. Ngoài ra, sẽ phát triển hệ thống sản xuất, phân phối thép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Mô hình Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. (Nguồn: Dantri)

Bên cạnh đó xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn. Hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Cơ quan chức năng phải là những “cảnh sát” thực thụ

Những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, năng lực sản xuất ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép nội địa, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.

Tất nhiên, bên cạnh những “cái” được, việc phát triển ngành thép còn khá nhiều hạn chế, về quy hoạch gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, về công nghệ, về đường hướng phát triển… đều chưa được đánh giá cao. Đặc biệt, việc phát triển ngành thép đang vấp phải sự lo ngại lớn từ xã hội khi vướng phải scandal gây thảm họa môi trường chưa từng có với vùng biển miền Trung – Dự án thép Formosa tại Hà Tĩnh.

Phát triển ngành thép bị cho là chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. (Nguồn: Cafef)

Đây cũng chính là lý do giới phân tích và dư luận hiện đang tỏ rõ quan ngại về khả năng đảm bảo an toàn môi trường, cũng như hiệu quả kinh tế của Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – công suất khủng 16 triệu tấn/năm, nằm ven bờ biển Ninh Thuận do Công ty Cổ phần tập đoàn Hoa Sen đầu tư. Dự án này vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai dự án này theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ USD.

Trên các diễn đàn lớn nhỏ, hàng loạt các lo ngại đã được đưa ra, nào là công nghệ và thiết bị sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, nào là thị trường thép thế giới đang lao đao vì hàng triệu tấn thép dư thừa, nguồn cung thép trong nước cũng dư thừa, khả năng cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, công nghệ đã có tuổi thọ hàng thế kỷ của ngành thép, nào là khả năng sản xuất thép tại một nơi khan hiếm nguồn nước như Ninh Thuận… và cả câu hỏi về nguồn vốn để đầu tư cho dự án khủng này. Nói chung, Dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná không nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận, không chỉ vì vấn đề môi trường.  

Trả lời cho câu hỏi môi trường, trong chương trình Đối thoại chính sách của Đài truyền hình Việt Nam mới đây, Chủ đầu tư Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen khẳng định, với vấn đề công nghệ và thiết bị như hiện nay thì đều có thể giải quyết được vấn đề môi trường. “Chúng tôi khẳng định sẽ làm dự án này với hết lương tâm, với hết trách nhiệm của chúng tôi. Làm sao để vẫn bảo vệ được môi trường mà vẫn tạo ra được công ăn việc làm, tạo được sự tăng trưởng cho xã hội, cho đất nước”, ông Vũ nói.

Với câu chuyện Formosa còn chưa nguội, những cam kết mạnh mẽ của Hoa Sen và ông Phước Vũ vẫn nằm trong sự hoài nghi là có thể hiểu được. Tuy nhiên, không thể vì thế mà quy kết tất cả các dự án sản xuất thép đều là “sát thủ” của môi trường. Tất nhiên, ở một mức độ nào đó, không chỉ dự án thép, mà tất cả các dự án công nghiệp đều khó có thể tránh khỏi ô nhiễm nước thải, khói bụi hoặc khí thải... Vấn đề là mức độ ô nhiễm này phải trong các hạn mức cho phép được quy định trong các bộ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của quốc gia. Đó là cách mà các dự án thép lớn của các nước trên thế giới vẫn tồn tại và phát triển. 

Cá chết trắng bờ biển miền Trung do chất xả thải từ dự án thép Formosa. (Nguồn: Petrotimes)

Bởi vậy, đáp án cho câu hỏi Dự án thép Hoa Sen - Cà Ná có đáp ứng về môi trường hay không nằm ở phía các cơ quan chức năng có đầy đủ các công cụ và quyền hạn thực thi pháp luật.

Theo Chỉ đạo rõ ràng từ Chính phủ, cương quyết không để tồn tại những dự án không phù hợp với đường lối phát triển của nền kinh tế. Bởi vậy, các cơ quan chức năng phải là tỏ rõ vai trò là những “cảnh sát” thực thụ để đảm bảo rằng Công ty Hoa Sen hay bất cứ một công ty nào khác không thể cố tình phớt lờ đường lối phát triển, các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn về môi trường và những dự án như thép Cà Ná – Ninh Thuận sẽ không trở thành một Formosa thứ hai.

Các vấn đề còn lại của dự án về thị trường, sản phẩm, đầu tư công nghệ và nguồn vốn…, hãy để Công ty Hoa Sen tự lo. Họ là một doanh nghiệp tư nhân, mọi quyết định đầu tư đều đã được tính toán kỹ càng, dựa trên sự cân nhắc về doanh thu và lợi nhuận của các cổ đông, với sự đồng thuận của cả Hội đồng quản trị.