TIN LIÊN QUAN | |
Tuyệt đối không gây ô nhiễm nguồn nước sông Lô | |
Xem xét kỷ luật các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ Formosa Hà Tĩnh |
Sáng 8/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung. |
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến nay việc khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản ổn định, người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao những chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết sự cố môi trường. Tình hình sản xuất và đời sống của người dân dần được khôi phục, người dân đã và đang nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ việc khắc phục sự cố môi trường.
Công tác xác định và kê khai thiệt hại được khẩn trương tiến hành đúng đối tượng, đúng định mức, thực hiện công khai, minh bạch. Việc xây dựng đề án giám sát môi trường, phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản, chính sách khôi phục và phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, cử đội tàu kiểm ngư giúp ngư dân khai thác và tăng cường kiểm tra, giám sát tại vùng biển 20 hải lý trở vào bờ được tăng cường.
Đặc biệt, sau khi có Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, công tác nói trên đã được các bộ, ngành, địa phương tiến hành khẩn trương, nhanh chóng hơn.
Tính đến ngày 31/12/2016, cơ quan chức năng đã thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp gạo không thu tiền theo chỉ đạo của Chính phủ là 15.027 tấn và 59 tỷ đồng cho ngư dân.
Về kết quả chi trả bồi thường và xử lý hàng tồn kho, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí đợt 1 với 3.000 tỷ đồng, đợt 2 là 1.680 tỷ đồng cho 4 tỉnh miền Trung nói trên.
Đến ngày 6/3/2017, cả 4 tỉnh đã giải ngân được 3.595,1 tỷ đồng trong tổng số 4.680 tỷ đồng được tạm cấp, đạt 76,8%.
Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, vướng mắc và bất cập trong quá trình thực hiện việc bồi thường thiệt hại sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ đạo sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra, thanh tra việc bồi thường thiệt hại môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Tại các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm giải quyết các vướng mắc, ghi nhận ý kiến của địa phương và nhân dân để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung triển khai các công việc được giao, nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi tiến độ chi trả chưa đạt yêu cầu, cần quyết tâm lớn nhằm đẩy nhanh vấn đề này.
Việc khôi phục sản xuất, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản tại địa phương hầu như đã trở lại bình thường. Hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản tại chợ đã trở lại, người dân đã tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển.
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quyết định bổ sung định mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng thuộc Quyết định 1880/QĐ-TTg; triển khai nhanh chóng Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo nhiệm vụ được giao; các địa phương sớm hoàn thành chi trả tiền tạm cấp đợt 2; tiếp tục điều kiểm ngư để giám sát, vận động người dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào từ bờ biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì xử lý hải sản tồn kho.
Tiếp tục giám sát Công ty Formosa thực hiện đúng các cam kết, có trách nhiệm xã hội với bà con trên địa bàn. Chỉ khi nào bảo đảm an toàn tuyệt đối về môi trường mới cho xả thải. Cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ các hiện tượng về môi trường để có giải pháp khắc phục, không để lo lắng trong nhân dân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý cần đẩy mạnh công tác truyền thông gắn với dân vận về quá trình bồi thường thiệt hại cho người dân. Báo chí phản ánh đúng tình hình một cách khách quan, trung thực, chính xác, không được kích động, suy diễn, đưa tin trên cơ sở các kết luận khoa học của cấp có thẩm quyền về tình trạng khắc phục sự cố. Hiện nay, Bộ TN&MT khẳng định là tình hình đã ổn định, biển đã sạch cho các hoạt động du lịch, dịch vụ, đánh bắt thủy sản của người dân.
Chính phủ kiên quyết xử lý không để xảy ra gian dối, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời, các địa phương cũng phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các cơ quan truyền thông cần phối hợp với đơn vị chức năng tuyên truyền mạnh mẽ để bà con nhân dân trên địa bàn sát cánh với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự và nỗ lực xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, cũng chỉ rõ những đối tượng phản động, cực đoan lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo nhân dân, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Việt Nam sẵn sàng chung tay với quốc tế bảo vệ môi trường biển Ngày 13/2, phiên điều trần thường niên giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên hợp quốc đã diễn ra tại trụ sở ... |
Không cấp phép đầu tư dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao Kiên quyết không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, không đảm bảo các yêu ... |
Đẩy mạnh thanh kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên môi trường Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu này khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai ... |