📞

Chỉ huy mới lực lượng Mỹ và NATO ở Afghanistan: Dao sắc mới dễ gọt

07:22 | 16/05/2009
Sau tuyên bố thêm quân tại chiến trường Afghanistan, Mỹ đã quyết định đổi tướng, bổ nhiệm Trung tướng Stanley A.McChrystal vào vị trí chỉ huy cao nhất lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan, như một phần trong việc thực thi chiến lược mới tại đây. Washington đặt nhiều kỳ vọng xoay chuyển tình thế vào tài cầm quân của vị tướng mới chỉ ngoài ngũ tuần, người được đánh giá là một chuyên gia trong lĩnh vực chiến tranh chống nổi dậy, sắc sảo về quân sự và khéo léo về chính trị.
Stanley A.McChrystal

“Nhà tu khổ hạnh” là biệt danh mà nhiều đồng nghiệp đặt cho Tướng Stanley A.McChrystal theo nghĩa đen đầy đủ của từ này. Tướng McChrystal thường chỉ ăn một bữa chính một ngày vào buổi tối, để tránh sự uể oải. Ông nổi tiếng vì chỉ ngủ trong vài giờ và vẫn thường vừa chạy bộ đến văn phòng vừa nghe đọc sách qua iPod. McChrystal là vị tướng có kiến thức rất rộng về các tổ chức khủng bố, một phần rút ra từ quãng thời gian chỉ huy lực lượng đặc biệt tại Iraq trong suốt 5 năm, đặc biệt thông thạo việc sử dụng tình báo để tăng cường hiệu quả của binh sĩ, điển hình là các vụ bắt cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, cũng như lần theo dấu vết và tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda tại Iraq Abu Musab al-Zarqawi.

 

Với quan điểm rút dần quân Mỹ khỏi các điểm nóng của Tổng thống Obama, có vẻ yêu cầu tăng thêm quân của Tướng McKiernan, người tiền nhiệm của tướng McChrystal không còn phù hợp. Trong khi đó, với kinh nghiệm triển khai các chiến dịch bí mật, linh hoạt và bất ngờ, McChrystal tỏ ra rất phù hợp với chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan, với những “đòn đánh” nhanh, hiểm, đúng chỗ.

 

Chính quyền Obama đã xem Afghanistan là mặt trận trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố và với sự phát triển ngày càng mạnh của lực lượng Taliban, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates khẳng định, đã đến lúc quân đội Mỹ phải có sự lãnh đạo mới và cái nhìn mới. Ông nói: “Nhiệm vụ của chúng ta ở Afghanistan đòi hỏi các nhà quân sự phải có tư duy và cách tiếp cận mới nhằm đối phó với các phần tử nổi dậy ngày càng tàn bạo và dồi dào tài lực mà có thể không cần tăng quân”. Chiến lược mới này, theo người đứng đầu giới quân sự Mỹ, vẫn đang được hoàn thiện, nhưng đã rõ nét là sẽ dựa vào lực lượng đặc biệt và chiến thuật chống nổi dậy. Đây chính là lĩnh vực mà Tướng McChrystal rất thông hiểu, nhất là các biện pháp phi quân sự để đối phó với Taliban.

 

Mỹ đang cố gắng đến cuối năm sẽ nâng tổng số binh sĩ có mặt tại Afghansitan là 70.000 quân, để giảm áp lực cho các lực lượng quốc tế trong việc giảm thương vong đối với dân thường trong các cuộc không kích. Nhưng có vẻ như điều mà Tướng McChrystal cần là tăng thêm quyền lực để ông có thể triển khai các chiến dịch quân sự không chỉ bó hẹp ở vùng biên giới Afganistan, mà ở cả hai phía của biên giới Afghansitan và Pakistan.

 

Thời gian gần đây, quân đội Mỹ bị chỉ trích gay gắt vì trong các cuộc tiến công, dân thường chịu tổn thất nặng nề. Tại Kabul xuất hiện khủng hoảng nghị viện khi các nghị sĩ quyết định tẩy chay cơ quan lập pháp, ra tối hậu thư cho chính phủ yêu cầu trong vòng một tuần phải đề ra kế hoạch bảo vệ thường dân trước những hiểm nguy do quân đội Mỹ và Liên quân gây ra. Các nghị sĩ cũng yêu cầu Chính phủ của Tổng thống Karzai phải soạn thảo dự luật pháp lý hóa sự hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Giới sinh viên Kabul cũng tỏ ra vô cùng bức xúc.

 

Những khó khăn này cho thấy vị chỉ huy quân Mỹ ở Afghanistan phải có sự linh hoạt hơn rất nhiều để có thể cải thiện tình hình. Bởi bên cạnh nhiệm vụ quân sự thì Mỹ sẽ bắt đầu triển khai các trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự nhằm có thể đứng vững, lâu dài ở Afghanistan. Từ hy vọng đến hiện thực luôn là một khoảng cách không nhỏ khi Tướng McChrystal phải từng bước giải quyết nhiều vấn đề làm nản chí như thiếu đội ngũ chuyên gia tái thiết dân sự có năng lực, các lực lượng Afghanistan “vừa thiếu, vừa yếu”, hệ thống viện trợ quốc tế yếu kém và những qui định nội bộ hạn chế khả năng tác chiến của một số đồng minh NATO ở Afghanistan.

 

Hiện quyết định bổ nhiệm McChrystal, sa thải Tướng McKiernan cũng gặp những phản đối, thậm chí có ý kiến cho đây là “không công bằng”. Vì thế mà Thượng viện Mỹ khó phê chuẩn quyết định này một cách nhanh chóng như Bộ trưởng Quốc phòng R.Gates hy vọng. Tuy nhiên, nếu được giao trách nhiệm mới tại Afghansitan, Tướng McChrystal sẽ có cơ hội khẳng định khả năng, sau nhiều năm chủ yếu tập trung vào các hoạt động đặc biệt, bí mật “trong bóng tối”.

Vài nét về Stanley A.McChrystal

 

- Sinh ngày 14/8/1954

 

- Tốt nghiệp trường quân sự West Point năm 1976.

 

- Thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh (1991) làm Chỉ huy Trung đoàn biệt động số 75 tại Saudi Arabia.

 

- Năm 2000 làm việc tại Hội đồng Đối ngoại tại New York.

 

- Năm 2001, được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng các chiến dịch tại Afghanistan.

 

- Từ 2003-2008, đứng đầu Ban Chỉ huy các chiến dịch phối hợp đặc biệt của Lầu Năm góc (JSOC), cơ quan giám sát các lực lượng nhạy cảm nhất của quân đội, trong đó có đơn vị chống khủng bố bí mật Delta Force.

 

Bảo Trâm