Thủ tướng cho biết đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị về logistics. |
Theo Thủ tướng, vấn đề logistics đã được đề cập trong văn kiện Đại hội Đảng và các bộ, ngành đã triển khai. Tuy nhiên, khái niệm, cách tổ chức thực hiện, nhất là các biện pháp tổng hợp để xử lý vấn đề này còn hạn chế. Chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao.
“Tại hội nghị này, chúng tôi mời đông đủ tất cả các địa phương, các ngành trong cả nước để hiểu đầy đủ hơn, tổ chức thực hiện tốt”, Thủ tướng nói. Khái niệm logistics không phải mới nhưng ít người hiểu một cách đầy đủ, đó là chỉ tổ chức vận tải giao thông đơn tuyến, đơn lẻ và chủ yếu đường bộ. Có tình trạng, theo Thủ tướng, “xe của anh vận tải hàng hóa thì có đến 40 – 50% xe quay về mà không chở hàng, làm sao chi phí lại không cao được”.
Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”. Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ. Chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...
Cho rằng khái niệm này rất rộng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nắm rõ. Ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”.
Dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ mà chân dung của ông được in trên tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất là đồng 100 USD - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?
“Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nói.
Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%).
Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tại Hội nghị hôm nay, các đại biểu cần quán triệt Kế hoạch hành động này để triển khai, nhất là một số ngành then chốt. “Bàn tay Nhà nước cần xắn vào đây. Cho nên, tôi và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cơ quan của Đảng, Quốc hội có mặt ở đây hôm nay để thảo luận, làm thông suốt vấn đề này hơn trong cấp ủy, chính quyền các cấp”, Thủ tướng nói.
Cần sửa đổi, bổ sung quy định nào
Gợi ý thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng nêu 4 vấn đề với tinh thần làm rõ tồn tại, hạn chế và đặc biệt, tập trung vào các giải pháp thực thi hiệu quả. Trước tiên là về thể chế, chính sách. Cần thảo luận làm rõ các quy định pháp luật hiện nay về logistics đã đủ chưa, cần sửa đổi, bổ sung quy định nào? Nhấn mạnh vai trò của kho bãi trong logistics, Thủ tướng nêu thực trạng có địa phương có cảng nội địa tốt nhưng không dành vị trí tốt làm kho bãi mà đưa kho bãi xa cảng, từ đó đẩy chi phí vận tải lên cao.
Nội dung thảo luận thứ hai là về hạ tầng và kết nối hạ tầng của các lĩnh vực giao thông thúc đẩy phát triển logistics. Hiện kết nối các tuyến giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa được đồng bộ, vậy cần điều chỉnh, bổ sung như thế nào? Làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa (hệ thống bến cảng, sân bay...) phát huy được tiềm năng và lợi thế, phát huy hiệu quả các công trình đầu tư. Cần làm gì để nâng cao hiệu quả liên kết của các chủ đầu tư, các công trình trên cùng một khu vực?
Thứ ba là thảo luận về tính kết nối của các loại hình vận tải. Cho rằng yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải là một tồn tại ở Việt Nam, Thủ tướng cho biết, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần còn thấp (đường biển 4,7%, đường thủy nội địa 17,7%, đường sắt 0,39%), còn vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%. “Mà như vậy tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hư hỏng đường sá. Chúng ta có mấy đồng bạc làm đường này, đường kia, anh chở siêu trường, siêu trọng như vậy thì đường nào chịu nổi, nếu không chuyển phương thức. Tồn tại này rất lớn mà các cấp, các ngành quán triệt, nhận thức để tổ chức”, Thủ tướng lưu ý.
Thứ tư, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phục vụ logistics. Thủ tướng nêu vấn đề về tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm doanh nghiệp cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý như tình trạng vận tải một chiều… Vì vậy, cần có nguồn nhân lực để phát triển dịch vụ logistics.
Thủ tướng cho biết, hôm qua, khi nói chuyện với Bộ trưởng GTVT ông có đề nghị mời một số tiến sĩ chuyên ngành logistics phát biểu tại Hội nghị hôm nay, “phải có nhiều ý kiến của những người chuyên về lĩnh vực này để Nhà nước xây dựng chính sách phát triển, vì đây là vấn đề mới”.
Thủ tướng mong muốn các đại biểu kiến nghị các định hướng lớn, các nhiệm vụ cụ thể, có nhiệm vụ trước mắt, có nhiệm vụ lâu dài để thực hiện chủ trương phát triển dịch vụ logistics, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics.
“Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, sản xuất thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được”, Thủ tướng nhấn mạnh.