Khói bụi bao phủ bầu trời khiến chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) trở nên ô nhiễm nghiêm trọng. (Nguồn: Reuters) |
Sương mù, hỗn hợp độc hại của khói và sương mù, xảy ra hàng năm vào mùa Đông khi không khí lạnh giữ lại bụi, khí thải và khói từ các vụ đốt rơm rạ bất hợp pháp ở một số bang xung quanh New Delhi.
Tại New Delhi và Chandigarh, tầm nhìn giảm xuống chỉ còn 100m. Tuy nhiên, chính quyền cho biết, các chuyến bay và tàu vẫn tiếp tục hoạt động, dù có thể chậm trễ.
Theo Cơ quan kiểm soát ô nhiễm Ấn Độ, chỉ số AQI 24h tại thủ đô New Delhi đạt mức 484, được xem là "cực kỳ nghiêm trọng" và là mức cao nhất trong năm 2024.
Theo bảng xếp hạng của nhóm IQAir Thụy Sỹ, New Delhi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chất lượng không khí ở mức "nguy hiểm" 1.081 và chỉ số bụi mịn PM2.5, cao gấp 130,9 lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bên cạnh đó, chính quyền New Delhi đã chỉ đạo tất cả các trường chuyển sang học trực tuyến, đồng thời thắt chặt hạn chế về hoạt động xây dựng và phương tiện giao thông.
Theo SAFAR, cơ quan dự báo thời tiết thuộc Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, các đám cháy nông nghiệp do người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để làm sạch ruộng đã "đóng góp" 40% mức độ ô nhiễm ở New Delhi.
Vào 17/11, các vệ tinh phát hiện 1.334 tình trạng như vậy tại sáu bang của quốc gia Nam Á này. Nhiều tòa nhà hầu như không thể nhìn thấy, trong đó có cả cổng India Gate nổi tiếng ở New Delhi.
Tiếp đó, trong ngày 18/11, Cơ quan khí tượng Ấn Độ cũng dự báo tình trạng "sương mù dày đặc đến rất dày đặc" tại các bang Uttar Pradesh, Haryana và Rajasthan.