Phát biểu với đài ABC, bà Payne cho biết, Canberra đã đọc kỹ tuyên bố chung Nga-Trung, thấy rằng tầm nhìn về trật tự toàn cầu mà tuyên bố thể hiện “hoàn toàn trái ngược” với tầm nhìn của Australia, cũng như tầm nhìn của các đồng minh và đối tác.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia nhận xét, cách tiếp cận của Nga và Trung Quốc cùng một số quốc gia khác - không đóng góp cho an ninh-ổn định tại thời điểm rất khó khăn đối với nhiều nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne (trái) và người đồng cấp Litva Gabrielius Landsbergis ngày 9/2 tại Tòa nhà Quốc hội Australia. (Nguồn: AAP) |
Bà Payne nói: "Chúng tôi ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia lớn, nhỏ được theo đuổi lợi ích riêng. Chúng tôi thấy những trường hợp về sự cưỡng ép từ các quốc gia chuyên chế xảy ra hàng ngày, điều mà Australia, với tư cách là một quốc gia dân chủ tự do hùng mạnh, không thể dung túng hay tha thứ".
Trong cuộc gặp vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tuyên bố chung về mối quan hệ đối tác mới, khẳng định quan hệ này “vượt trội so với các liên minh chính trị-quân sự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Trung Quốc tuyên bố ủng hộ lập trường của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong khi Moscow bác bỏ mọi quan điểm ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) độc lập.
Theo đài ABC, các nhà phân tích phương Tây cho rằng, trong khi tuyên bố trên chưa đến mức tạo ra một liên minh chính thức, Nga và Trung Quốc ngày càng quyết tâm thách thức Mỹ trong vai trò một cường quốc toàn cầu, làm lung lay nền dân chủ tự do trên thế giới.
Cùng ngày, bà Marisa Payne và Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã thảo luận và nhất trí tăng cường hợp tác trước các thách thức chiến lược, đồng thời phản đối những hoạt động kinh tế mang tính cưỡng ép. Nhắc tới việc hai nước thuộc nhóm đối tượng mà Bắc Kinh nhắm tới, Ngoại trưởng Landsbergis nói: “Rõ ràng chúng tôi không phải là những mục tiêu cuối cùng”.