Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du 1 tuần đến Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters) |
Làm nhiều việc cùng lúc
Ngày 7/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khởi hành tới Australia, Fiji và Hawaii trong chuyến công du kéo dài 1 tuần để họp với các đồng minh quan trọng, đồng thời tái khẳng định cam kết kiềm chế Trung Quốc.
Điểm nổi bật trong chuyến công du lần này là cuộc họp của nhóm Bộ tứ gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ; nỗ lực ngoại giao liên quan đến Triều Tiên và các cuộc thảo luận về mối quan tâm đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nơi các quan chức Mỹ tin rằng Trung Quốc muốn thiết lập các căn cứ quân sự.
Trước đó, tại một cuộc họp báo cùng ngày 7/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã được hỏi liệu Ngoại trưởng Blinken có cân nhắc hủy chuyến công du trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine hay không.
Đáp lời, ông Price nhắc lại rằng Mỹ có khả năng “làm nhiều việc cùng lúc", đồng thời cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ “tập trung phần lớn” vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi là một nước lớn. Chúng tôi là một bộ lớn. Chúng tôi có rất nhiều thách thức phải đối mặt”.
Ông Price còn cho biết, trong chuyến đi lần này, Ngoại trưởng Blinken sẽ duy trì liên lạc với những người đồng cấp trong chính phủ Mỹ về vấn đề Ukraine.
Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vài ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn”.
Daniel Kritenbrink, chuyên gia hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về khu vực Đông Á, đã chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp báo trước chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken, nói rằng cuộc gặp của nhà lãnh đạo Trung Quốc với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/2 lẽ ra nên là cơ hội để khuyến khích giảm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine.
Mỹ cũng đang tham gia vào một cuộc “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Duy trì sự tập trung
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang tụt xuống mức thấp nhất trong vài thập niên qua, xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông.
Ngoài ra, nguy cơ xâm lược tiềm tàng của Nga đối với Ukraine, mối đe dọa xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, càng khiến vấn đề thêm phức tạp.
Tin liên quan |
Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine nên chuẩn bị cho những ngày khó khăn |
Charles Edel, chuyên gia về châu Á và Australia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), lưu ý rằng ông Blinken tới Australia bất chấp quan hệ đối đầu giữa Ukraine với Nga và căng thẳng ngoại giao giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Edel nói: “Chuyến đi của ông Blinken nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như thách thức đối với Washington trong việc duy trì sự tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trong cuộc họp của nhóm Bộ tứ diễn ra tại Melbourne, 4 nước thành viên dự kiến sẽ thảo luận về cách thúc đẩy các mục tiêu, bao gồm chính sách khí hậu và cung cấp vaccine Covid-19 cho Đông Nam Á trước Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 5/2022 tại Nhật Bản, trong đó nhiều khả năng có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tại các cuộc họp với Thủ tướng Fiji và lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương, dự kiến vấn đề trọng tâm sẽ là chính sách về khí hậu và thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra.
Daniel Russel, nhà ngoại giao Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama, cho biết: “Tốc độ và quy mô hoạt động của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương đang đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh”.
Các nhà lập pháp tại quốc đảo Cộng hòa Kiribati cho biết, vào năm ngoái, Trung Quốc đã lên kế hoạch nâng cấp một bãi đáp máy bay tại một trong các đảo vệ tinh cách Hawaii khoảng 3.000 km. Kế hoạch này sẽ mang lại cho Bắc Kinh vị trí thuận lợi ở khu vực có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ và các đồng minh.
Mỹ cho biết hiệp ước liên minh an ninh Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và quan hệ hợp tác nhóm Bộ tứ mở rộng thể hiện cam kết của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo giới phân tích, việc cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi khuôn khổ thương mại hiện mang tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã làm suy giảm khả năng can dự của Mỹ đối với khu vực.
Tháng 10/2021, Tổng thống Biden nói với các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin về cuộc thảo luận này và chính quyền Washington cũng đang do dự trước đề nghị tăng cường tiếp cận thị trường các nước châu Á, coi đây là mối đe dọa đối với việc làm của người dân Mỹ.
Tại Hawaii, Ngoại trưởng Blinken sẽ chủ trì các cuộc thảo luận với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó tập trung vào vấn đề Triều Tiên, quốc gia vừa triển khai nhiều vụ phóng thử tên lửa trong năm nay, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể sẽ trở lại với kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa và bom nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.
| Ngoại trưởng Blinken công du Kiev, Mỹ tuyên bố không tính gửi thêm quân đến Ukraine, Nga nhắn nhủ Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Ukraine trong một động thái thể hiện sự ủng hộ của Washington với Kiev, vào thời ... |
| Đối tác chiến lược Nga-Ấn Độ: Chìa khóa ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Theo tác giả Joshy M Paul* trong bài viết trên trang East Asia Forum, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn Độ sẽ là nhân ... |