📞

Chỉ trừng phạt thôi, không đủ!

10:00 | 02/04/2016
Đi kèm với lệnh trừng phạt, cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước lớn, cần phải có lộ trình ngoại giao dài hạn cho bán đảo Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về việc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo. (Ảnh: EPA)

Điểm nóng Triều Tiên những tháng đầu năm đã tăng nhiệt, khi lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) thông qua được tiếp nối bằng các vụ bắn tên lửa mới của Triều Tiên và cuộc tập trận chung quy mô lớn cũng như kế hoạch triển khai vũ khí chiến lược giữa Mỹ - Hàn Quốc. Ai được, ai mất trong các diễn biến mới này sẽ còn là điều được bàn luận nhiều. Tuy nhiên, không ai phủ nhận việc kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và buộc các bên liên quan cam kết bảo đảm an ninh cho nước này sẽ là điều có lợi nhất.

Mỗi bên mỗi ý

Ngày 2/3, lệnh trừng phạt lần thứ năm đối với Triều Tiên được LHQ thông qua - với số phiếu tuyệt đối (15-0) và những nội dung trừng phạt được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Việc Mỹ theo đuổi đến cùng lệnh trừng phạt Triều Tiên là điều không mới mẻ. Điều đáng chú ý trong lệnh trừng phạt lần này là trong quá trình soạn thảo, công bố Nghị quyết 2270, Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Không những thế, Mỹ còn khiến cho Hàn Quốc vốn đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc lại nhất trí triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), từ đó đặt một hệ thống giám sát ở cửa ngõ của Trung Quốc.

Trung Quốc - đồng minh chủ chốt của Triều Tiên, cùng Mỹ đồng bảo trợ cho Nghị quyết 2270 có lẽ là muốn tận dụng cơ hội này để thể hiện tính chính danh của một cường quốc mà Trung Quốc muốn được thế giới công nhận. Thứ hai, Trung Quốc muốn chứng tỏ họ sẵn sàng trở thành một người kiến tạo luật chơi trong các vấn đề chung của thế giới. Thứ ba, Trung Quốc không hài lòng với những gì Triều Tiên đã làm trong thời gian qua. Cuối cùng, Trung Quốc hiểu rõ nếu Triều Tiên leo thang các hoạt động bắn thử tên lửa, hạt nhân, Mỹ sẽ có cớ để tiếp tục củng cố các liên minh quân sự ở Đông Bắc Á nói riêng và vành đai Tây Thái Bình Dương nói chung.

Nga được cho là một bên “thắng” trong những diễn biến tại Triều Tiên vừa qua. Thực tế, HĐBA đã phải chấp thuận ý kiến của Nga bổ sung vào Nghị quyết điều khoản ngoại lệ là không áp dụng lệnh cấm đối với khoáng sản của Nga được vận chuyển bằng đường sắt qua Triều Tiên và xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á từ cảng Rajin. Điều này sẽ giúp Nga tiếp tục được xây dựng tuyến đường sắt nối Nga với khu vực Đông Bắc Á, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế vùng Viễn Đông của Nga. Không những thế còn giúp Nga nâng cao ảnh hưởng ở Triều Tiên, điều này sẽ có giá trị hơn nếu đàm phán sáu bên được nối lại.

Đối với Hàn Quốc, việc hợp tác với Mỹ bố trí THAAD cũng không phải là giải pháp tối ưu, khi Seoul tự biến mình thành đối thủ không những của Triều Tiên mà của cả Trung Quốc và Nga.

Về phần Nhật, đây là nước từng hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, giúp nền kinh tế cất cánh, đồng thời sự định vị của Mỹ đối với Nhật Bản cũng thay đổi. Tuy nhiên, hiện là thế kỷ XXI chứ không phải là những năm 1950, cho nên rủi ro của Nhật Bản cũng là điều dễ nhận thấy, nhất là khi Triều Tiên sở hữu hạt nhân hoặc khi tình hình bán đảo Triều Tiên không thể kiểm soát và trở thành cuộc đọ sức trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ.

Điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan phải nỗ lực để ổn định tình hình. Các kênh ngoại giao ở cấp chính thức và không chính thức giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên là rất cần thiết để làm rõ những ý định và xoa dịu căng thẳng. Hai bên nên tập trung vào việc nhanh chóng tái lập đường dây nóng quân sự trực tiếp, thông báo trước cho nhau các hoạt động quân sự và ngăn ngừa sự cố bất ngờ, và tiến tới nối lại các vòng đàm phán giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên.

Trừng phạt không làm khó Triều Tiên

Nghị quyết 2270 của HĐBA đưa các bên liên quan tới sự thống nhất về lý thuyết là thắt chặt kiểm tra và hạn chế hoạt động thương mại của Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế những ngày vừa qua - với việc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm trên mặt đất động cơ tên lửa đẩy cỡ lớn dùng nhiên liệu rắn, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thực hiện một "cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu" để ngăn ngừa các mối đe dọa từ Mỹ - cho thấy Triều Tiên có vẻ không “hề hấn” gì với các lệnh trừng phạt của LHQ.

Có nhiều lý do để nghi ngờ rằng các biện pháp trừng phạt không làm khó Triều Tiên. Thứ nhất, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế quan trọng nhất và là nhà viện trợ lớn nhất của Triều Tiên. Các hoạt động ngoại thương, tài chính của Triều Tiên gắn chặt với Trung Quốc thông qua những công ty trung gian ở Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt chỉ tác động đáng kể tới nền kinh tế Triều Tiên nếu Trung Quốc thực thi chúng một cách nghiêm túc.

Thứ hai, theo học giả Stephen Haggard từ Đại học California tại San Diego, những nước nhỏ hơn cũng là những chủ thể khiến việc triển khai lệnh trừng phạt khó khăn hơn, một phần do các nước này thiếu năng lực triển khai. Một báo cáo mới đây về một số nước châu Phi có hợp đồng buôn bán với Triều Tiên - như Uganda, Zimbabwe, Nigeria, Tanzania, Ethiopia và Cộng hòa dân chủ Congo - chứng minh điều đó. Chính phủ các nước này thường ít hoặc không ưu tiên những vấn đề toàn cầu như vấn đề không phổ biến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trường hợp Ngân hàng Banco Delta Asia (BDA) đã từng được ca ngợi là một trong những biện pháp trừng phạt Triều Tiên hữu hiệu nhất khi được triển khai trong các cuộc đàm phán sáu bên năm 2006. Nhưng lúc đó Triều Tiên có rất nhiều dự trữ ngoại hối trong tài khoản ở BDA và hiệu lực của biện pháp này cũng không tồn tại lâu dài. Do Triều Tiên gần như bị gạt ra khỏi nền kinh tế thế giới nên họ đã tìm những cách thức khác để tránh những giao dịch chính thức, như sử dụng các trung gian, khiến giải pháp tương tự là không hiệu quả.

Để tránh thêm mười năm luẩn quẩn

Học giả Meghan O'Sullivan (Đại học Harvard) cho rằng, những biện pháp trừng phạt chỉ là một công cụ trong một chiến lược chặt chẽ. Đi kèm những biện kháp kinh tế phải là một lộ trình ngoại giao dài hạn. Nếu không, tất cả sẽ lại đi theo cánh cửa xoay vòng của những biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả mà cuối cùng vấn đề hạt nhân vẫn không được giải quyết.

Theo các nhà phân tích, điều quan trọng hiện nay là các bên liên quan phải nỗ lực để ổn định tình hình. Các kênh ngoại giao ở cấp chính thức và không chính thức giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên là rất cần thiết để làm rõ những ý định và xoa dịu căng thẳng. Hai bên nên tập trung vào việc nhanh chóng tái lập đường dây nóng quân sự trực tiếp, thông báo trước cho nhau các hoạt động quân sự và ngăn ngừa sự cố bất ngờ và tiến tới nối lại các vòng đàm phán giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, ý tưởng nối lại đàm phán sáu bên đã không thành hiện thực do sự mất lòng tin gia tăng. Cơ chế này bị gián đoạn kể từ cuối năm 2008, sau khi Triều Tiên xúc tiến trở lại các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trở ngại lớn nhất với các vòng đàm phán là việc hai bên khăng khăng giữ “điều kiện tiên quyết” của mình - trong khi Mỹ và Hàn Quốc đưa ra điều kiện tiên quyết là “phi hạt nhân hóa hữu hình”, thì Triều Tiên lại yêu cầu ký kết một hiệp ước hòa bình và gỡ bỏ “chính sách thù địch” của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.

Hôm 17/2, Trung Quốc đã đề xuất rằng các vấn đề của một hiệp ước hòa bình và phi hạt nhân hóa có thể được thảo luận tại cùng một thời điểm trong khuôn khổ đàm phán sáu bên. Điều này là cần thiết để tất cả các bên tái khẳng định mục tiêu cuối cùng vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên và ký kết một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, các bên cần phải xem xét lại các thỏa thuận đạt được từ trước và quyết định những nguyên tắc và khía cạnh nào cần giữ lại. Ngôn từ trong hiệp định cần cụ thể hơn, các quy định, biện pháp xác minh phải chặt chẽ và các bước phải được nêu rõ ràng trong trường hợp các bên không tuân thủ. Đồng thời, các bên phải thiết lập một lộ trình quy định cụ thể thoả thuận về mức độ có đi có lại và trình tự.

Việc nhất trí gia tăng trừng phạt Triều Tiên đã cho thấy cộng đồng quốc tế không chấp nhận chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, nếu các bên liên quan không có những nỗ lực nghiêm túc và dài hạn để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sẽ càng đẩy Triều Tiên đi xa các nỗ lực ngoại giao và các bên càng leo thang các hoạt động gây căng thẳng tình hình. Đấy là chưa kể sau mỗi vụ thử, Triều Tiên sẽ có điều kiện nâng cao khả năng hạt nhân của mình và lúc đó việc ép buộc hoặc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân càng trở nên khó khăn hơn.