Từ chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, cho tới việc thông qua ngân sách quốc phòng mới nhằm đối phó với tham vọng bành trướng trong vấn đề hàng hải của Trung Quốc, Chính quyền Trump nhằm vào cường quốc Đông Á này với một thái độ cực kỳ cứng rắn, khiến nhiều quan chức tại Bắc Kinh cho rằng, Mỹ thực chất đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Kiềm chế sự trỗi dậy
Giới phân tích cho rằng, thái độ thù địch với Trung Quốc gia tăng cho thấy Trump và các cố vấn xem quốc gia này là một cường quốc đầy toan tính, là đối thủ trực diện và là kẻ thù mà Washington phải dùng các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tham vọng bành trướng ảnh hưởng. Xét ở mức độ nào đó, đây cũng là quan điểm của nhiều nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Washington, bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như mở rộng lãnh thổ.
Thái độ với Trung Quốc gia tăng cho thấy Trump và các cố vấn xem quốc gia này là một cường quốc đầy toan tính, là đối thủ trực diện. (Nguồn: Marketwatch) |
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Chính quyền Trump vẫn chưa vạch ra một chiến lược cụ thể để đối phó với Trung Quốc, cho dù họ đã thể hiện một sự chuyển hướng mạnh mẽ khỏi cách tiếp cận của các chính quyền tiền nhiệm.
Nếu Tổng thống Barack Obama tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong các sáng kiến toàn cầu lớn, như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran, xem đó là cách để kiểm soát Trung Quốc và khuyến khích quốc gia này hành xử có trách nhiệm hơn trong hệ thống quốc tế.
Trong khi đó, Trump đã rút Mỹ ra khỏi cả hai thỏa thuận này. Bonnie Glaser, một nhà phân tích về Trung Quốc hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington bình luận, “Nhìn vào nhiều vấn đề, tôi không cho là chính quyền đương nhiệm đang tìm cách phối hợp với Trung Quốc. Nỗ lực để thúc đẩy những thứ gì đó mới mẻ mà lợi ích hai bên giao thoa có vẻ như đã bị lãng quên. Tôi cho rằng chính phủ hiện nay xem Trung Quốc là một đối thủ và những nỗ lực của họ hiện nay thực tế tập trung vào việc làm thế nào để có một chiến lược cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc”.
Sự quan ngại của Trump về Trung Quốc đã thể hiện trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng hôm 16/8 vừa qua. Trong cuộc thảo luận công khai với các nhà báo kéo dài 1 giờ đồng hồ, Tổng thống Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc nới lỏng sức ép kinh tế đối với Bắc Triều Tiên và "tuồn" quá nhiều “thuốc giảm đau” có khả năng gây nghiện vào Mỹ.
Các nhà phân tích kinh tế đã chỉ trích, Tổng thống Trump vì kích động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi áp thuế cao đối với mặt hàng thép và nhôm. Tuy nhiên, trong cuộc họp này, người đứng đầu Nhà Trắng hăng hái chứng minh rằng, ông đã đúng khi áp thuế và cho rằng Bắc Kinh là kẻ thua cuộc khi liên tục yêu cầu cố vấn kinh tế hàng đầu của mình là Larry Kudlow cập nhật tình hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump từng có những phát biểu cứng rắn về Trung Quốc song lại dịu giọng hơn sau khi nhậm chức và mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida đầu năm 2017. Ông chủ Nhà Trắng cũng tránh chỉ trích Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” để tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chiến dịch gia tăng sức ép quốc tế đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau khi mục tiêu gây áp lực buộc Bình Nhưỡng hiện thực hóa các cam kết mà ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore không đạt được như ý, ông Trump bắt đầu quay lại với giọng điệu không mấy thiện cảm về Trung Quốc.
Chiến lược chưa thuyết phục
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump đã chĩa mũi dùi chính trị về phía Trung Quốc là nhằm thỏa mãn lực lượng chính trị trong nước của mình.
Nhiều người hoài nghi về khả năng thành công của chiến lược này. Kể từ đầu năm nay, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trả đũa nhau bằng các khoản thuế áp thuế có ảnh hưởng tới 34 tỷ USD hàng hóa của nhau và dự kiến các khoản thuế mới đánh vào số hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác sẽ có hiệu lực trong tuần này.
Nhà phân tích Daniel Russel, hiện làm việc tại Viện Xã hội châu Á và từng là quan chức phụ trách chính sách hàng đầu trong Chính quyền Obama, nhận định: “Chính quyền Trump đang tung những cú đòn liên hoàn bằng việc đe dọa và yêu cầu Trung Quốc đầu hàng vô điều kiện. Người Trung Quốc nói với tôi rằng, họ thấy rất rõ sự liên quan giữa những đòn tấn công thương mại với nội dung của Chiến lược An ninh Quốc gia cũng như những tài liệu khác trong đó mô tả Trung Quốc là một kẻ thù”.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố hồi tháng 12/2017, Mỹ gọi Trung Quốc là “cường quốc xét lại” đang nhăm nhe tìm cách giành lấy vị trí lãnh đạo của Mỹ tại châu Á và toan tính mở rộng mô hình kinh tế nhà nước của mình. Dù vậy, theo giới phân tích, Chính quyền Trump chưa có được một chiến lược thực sự thuyết phục để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Trump đã chĩa mũi dùi chính trị về phía Trung Quốc là nhằm thỏa mãn lực lượng chính trị trong nước của mình. (Nguồn: AP) |
Việc Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại gồm 12 quốc gia thành viên được chính quyền Obama coi là bức tường thành ngăn chặn Trung Quốc, đã khiến các đối tác khu vực không dám tin vào các cam kết của Chính quyền Mỹ đối với khu vực.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố khoản đầu tư ban đầu trị giá 113 triệu USD vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và thương mại số, tạo dựng nền tảng kinh tế cho chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, điều được cộng đồng chính sách đối ngoại ở Washington xem như là một nỗ lực mờ nhạt của Trump, nhằm đưa ra một chiến lược thay thế.
Tuy nhiên, khoản đầu tư trên là rất nhỏ bé khi so với chương trình kinh tế khổng lồ của Trung Quốc mang tên “Vành đai và Con đường”. Để xoa dịu lo ngại của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Matt Pottinger đã nhấn mạnh tại cuộc họp của Văn phòng Thương mại Mỹ rằng, số tiền đầu tư này chỉ là khởi đầu cho làn sóng đầu tư của lĩnh vực tư nhân Mỹ mà Trung Quốc không thể theo kịp.