📞

Chia rẽ phe phái đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ

10:56 | 06/01/2017
Sau vụ tấn công khủng bố đêm Giao thừa 2017, các phe phái ở Thổ Nhĩ Kỳ quay ra đổ lỗi cho nhau thay vì tìm giải pháp tăng cường an ninh.

Nếu tính cả vụ xả súng khiến ít nhất 39 người thiệt mạng mới đây ở Istanbul, tổng cộng đã có 33 vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ mùa Hè 2015 đến nay. Những vụ việc này làm hơn 700 người thiệt mạng, chủ yếu được thực hiện bởi hai nhóm: tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

PKK có xu hướng tấn công các mục tiêu là lực lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 11/12/2016, nhóm này đã tiến hành một vụ đánh bom xe tự sát nhằm vào một xe buýt chở binh sĩ, khiến ít nhất 38 người chết và 150 người khác bị thương.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra trên đường phố Istanbul sau vụ xả súng đêm Giao thừa 2017. (Nguồn: AP).

Trong khi đó, đối với vụ tấn công ở Istanbul đêm Giao thừa vừa qua, không ai bất ngờ khi IS là “tác giả”, bởi nhiều tuần qua, tổ chức khủng bố này tuyên bố lễ đón Năm mới là một hoạt động “phi Hồi giáo”.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trong bối cảnh các vụ khủng bố liên tục xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức nước này tỏ ra không tập trung vào việc tăng cường an ninh, còn các phe phái “bận rộn” tranh giành quyền lực.

Kể từ khi lên làm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003, sau đó nắm chức Tổng thống từ năm 2014, ông Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần thắng cử nhờ vào quan điểm dân túy. Với quyền lực trong tay, ông Erdogan đã có nhiều biện pháp trấn áp cứng rắn các phe phái đối lập - gồm những người cánh tả, những người theo xu hướng dân chủ xã hội, người Alevis (Hồi giáo ôn hòa), người Kurd…

Các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Erdogan khiến đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng bị chia rẽ. Nhóm ủng hộ ông Erdogan luôn khẳng định nhà lãnh đạo này không làm gì sai trái, trong khi nhóm chống đối ông nghĩ điều ngược lại.

Vì vậy, sau vụ xả súng đêm Giao thừa, giới chức ở Ankara vẫn chưa ngồi lại để thảo luận về thời gian tới, đặc biệt là chính sách đối ngoại và an ninh. Liệu Thổ Nhĩ Kỳ nên tiếp tục cuộc chiến chống IS và đảng PYD của người Kurd ở Syria hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ. Trong khi đó, các chiến binh IS và người Kurd vẫn tràn vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và liên tục tiến hành nhiều vụ tấn công đẫm máu.

Trong trường hợp IS tấn công, phe chống đối ông Erdogan sẽ chỉ trích nhà lãnh đạo này không đủ năng lực bảo vệ người dân. Trong trường hợp PKK tấn công, phe ủng hộ ông Erdogan sẽ đổ lỗi cho phe đối lập hậu thuẫn nhóm phiến quân người Kurd. Những cáo buộc qua lại này cứ tiếp diễn từ vụ tấn công này đến vụ khác.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ có hệ thống an ninh quốc gia tương đối mạnh, hoàn toàn có thể đối phó với làn sóng tấn công khủng bố, chẳng hạn như trong thời kỳ nổi dậy của PKK trong những năm 1990. Hệ thống an ninh này cũng từng giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như cuộc nội chiến giữa phe cực tả và phe cực hữu những năm 70 của thế kỷ trước.

Tuy nhiên, nếu người Thổ không thẳng thắn trao đổi với nhau về những mối đe dọa hiện hữu, hệ thống an ninh quốc gia của Ankara sẽ không thể ngăn cản “bóng ma” khủng bố và đưa cường quốc ở Trung Đông này đi lên.

(theo CNN)