Tham dự buổi gặp mặt có các thầy cô giáo là người Việt và người Đức, đang tham gia quản lý và giảng dạy tiếng Việt tại các trường Đại học của Đức và các trường, trung tâm tiếng Việt tại Berlin và một số thành phố khác.
Bà Dương Thị Việt Thắng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Trưởng bộ phận Giáo dục và Lưu học sinh - đã ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành giáo dục, đồng thời ghi nhận nỗ lực và đóng góp của các thầy cô giáo đang tham gia giảng dạy tiếng Việt tại Đức.
Một lớp dạy tiếng Việt tại Berlin, Đức. (Nguồn: baotintuc.vn) |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, những khó khăn mà họ phải đối mặt khi dạy tiếng Việt cho con em người Việt, người gốc Việt và cả người Đức. Một trong những băn khoăn của các thầy cô giáo là hiện tại chưa có các giáo trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài một cách phù hợp với phong tục, văn hóa của nước sở tại cũng như trình độ, lứa tuổi của người học.
Bản thân các thầy cô, bằng tấm lòng và tâm huyết với tiếng Việt và quê hương đất nước, phải luôn mày mò, tìm kiếm tài liệu và phương pháp giảng dạy hợp lý nhất để có thể mang lại kiến thức và sự đam mê cho những người học. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài cách thức dạy học truyền thống, các thầy cô giáo cũng đang hướng đến loại hình dạy học đa phương tiện, dựa trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội, giúp người học hứng thú và học tập hiệu quả hơn, đặc biệt là các bạn trẻ.
Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Tham tán Bùi Hà Nam ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các thầy cô giáo trong việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt tại Đức, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Đức, cũng như đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ Việt - Đức.
Thông qua các chương trình, đề án của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ khác, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các thầy cô giáo tài liệu, sách vở, giáo trình dạy tiếng Việt, góp phần giúp các thầy cô cũng như người học tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy và học.