📞

Chia sẻ lợi ích trên sông Nile

15:14 | 22/03/2015
Thỏa thuận sơ bộ về chia sẻ nguồn nước sông Nile được Ngoại trưởng các nước Ethiopia, Ai Cập và Sudan ký hôm 6/3 cho thấy trong đàm phán quốc tế, hợp tác sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Khu vực Đập thủy điện gây tranh cãi ở sông Nile.

Từ mục đích riêng...

Ngược lại quá khứ, căn cứ vào một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập ngăn chặn sự phát triển ở thượng nguồn, phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này. Với dân số tăng nhanh và nền kinh tế năng suất thấp, dự báo từ năm 2050, mỗi năm Ai Cập sẽ cần thêm 21 tỷ mét khối nước, nâng tổng lượng nước sử dụng lên khoảng 76 tỷ từ 55 tỷ hiện nay.

Trong khi đó, nhu cầu phát triển đã khiến Ethiopia không thể chần chừ trong việc tận dụng nguồn lợi sông Nile. Hiện nay, chỉ khoảng một phần ba dân số Ethiopia được sử dụng điện. Với công suất dự kiến lên đến 6.000 MW điện vào giờ cao điểm, đập thủy điện Đại phục hưng (The Grand Ethiopia Renaissance Dam) sẽ giúp Ethiopia không những có thể tự lo cho mình mà còn xuất khẩu điện sang Đông Phi, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rời xa ác mộng hạn hán và đói kém. Bà Belachew Chekene Tesf, kỹ sư trong lĩnh vực tái tạo năng lượng chia sẻ: “Không xây dựng đập sẽ là một thất bại đối với Ethiopia. Xây dựng con đập này sẽ giúp phát triển đất nước”.

Bất chấp sự phản đối của Ai Cập, Ethiopia bắt đầu đổi hướng dòng chảy của sông Nile hồi tháng 5/2013 để xây dựng đập thủy điện dài lớn nhất châu Phi 1.780m và cao 145m, chi phí lên tới 4,2 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Ban đầu, người ta kém lạc quan về các cuộc tiếp xúc bởi gần đây, bất đồng giữa Ai Cập và Ethiopia có lúc căng thẳng đến mức đe dọa chiến tranh. Câu hỏi đặt ra cho các nhà đàm phán là làm sao tìm được hướng đi để thỏa mãn một Ai Cập thiếu nước và một Ethiopia đói nghèo? Suy cho cùng, mọi cuộc đàm phán đều phải hướng đến lợi ích của quốc gia, cụ thể là quyền lợi của người dân.

Là đồng chủ biên một cuốn sách về chế độ pháp lý chia sẻ nguồn nước sông Nile, nghiên cứu sinh Viện Brookings, Mwangi Kimenyi đánh giá: “Bất kỳ kết quả nào dựa trên đàm phán ngoại giao giữa các bên liên quan đều là tín hiệu tích cực”.

Phương án duy nhất

Sự thay đổi quan điểm từ Ai Cập dường như là điểm mở cho nút thắt. Khác với những đe dọa cứng rắn của người tiền nhiệm Mohamed Morsi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tiếp cận mềm dẻo hơn. Ông đã gặp Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở Guineau Bissau tháng Sáu năm ngoái và thống nhất nhận thức chung bước đầu. Ngay sau đó, vòng đàm phán ba bên được tổ chức từ tháng 9/2014. Một Ủy ban ba bên được thành lập để điều phối và tham vấn suốt quá trình đàm phán.

Thỏa thuận sơ bộ được ký ngày 6/3 tại Thủ đô Khartoum (Sudan) được xem là thắng lợi chung. Văn bản này quy định lượng nước sông Nile mà các quốc gia được phép khai thác, dung tích chứa của đập, thời gian để đập tích đầy nước và tác động môi trường. Tuy chưa được công bố chi tiết nhưng hy vọng thỏa thuận sẽ ghi dữ liệu cụ thể về khối lượng nước mà Ethiopia có thể sử dụng, quy định thời gian Ethiopia điều khiển lượng nước theo hướng làm đầy hồ chứa chậm hơn nhằm giảm tác động tiêu cực ở hạ lưu. Ethiopia cũng phải tính đến việc xuất khẩu điện sang Ai Cập như một sự chia sẻ trách nhiệm.

Ngoại trưởng Sudan Ali Karti cho biết: “Ba nước đã hoàn toàn thống nhất về nguyên tắc sử dụng vùng lòng chảo sông Nile và đập Đại phục hưng”. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri cho rằng thỏa thuận đã “khởi đầu sự tăng cường hợp tác” còn người đồng cấp Ethiopia Tedros Adhanom đánh giá “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ với Ai Cập và Sudan.

Trước đây, khác biệt về chính trị, chiến lược phát triển luôn là nguyên nhân khiến các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước của các quốc gia ven sông Nile thất bại. Chuyên gia độc lập về sông Nile Alan Nicol đánh giá hợp tác là cách duy nhất mang lại hiệu quả và lợi ích.

Ethiopia đã thoải mái hơn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công đập thủy điện. Nhưng giới quan sát cho rằng sẽ không có lợi cho quốc gia này nếu họ xây dựng mà không đảm bảo quyền lợi của Cairo. Với Ai Cập, văn bản này đóng vai trò như một sự kiểm soát hành động của các bên, đặc biệt là Ethiopia.

Trước nhu cầu ngày càng cao về nước, không chỉ riêng Ai Cập và Ethiopia, đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia ven sông Nile là giải pháp khả thi lâu dài. Cách thức tiếp cận như vậy cũng là kinh nghiệm cho bất cứ khu vực nào trên thế giới đang nỗ lực dàn xếp vấn đề tương tự.

Thỏa thuận hợp tác sử dụng nguồn nước sông Nile được đàm phán thành công giữa các Ngoại trưởng hôm 6/3. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn sẽ ký thỏa thuận cuối cùng về dự án đập thủy điện "Đại phục hưng" nằm trên thượng nguồn sông Nile tại cuộc gặp thượng đỉnh ở thủ đô Khartoum của Sudan vào ngày 23/3.

Nguyên Bảo (tổng hợp)