Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Biden được giới chuyên gia đánh giá là "vòng kim cô" bao vây và siết chặt Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Từ tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã định hình và triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mục tiêu duy trì vị thế số 1 của Mỹ trước Trung Quốc đang “trỗi dậy”.
Chiến lược Quốc phòng quốc gia năm 2018 nêu rõ, “Trung Quốc hướng tới bá quyền ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thay thế vị trí của Mỹ trong tương lai”.
Trong giai đoạn chính quyền của Tổng thống Trump, đặc trưng của quan hệ Mỹ-Trung là sự cạnh tranh gay gắt trên các lĩnh vực từ chính trị, quân sự tới thương mại, công nghệ.
Nhiều ý kiến cho rằng, quan hệ hai nước đã "chạm đáy" kể từ năm 1979, và ở giai đoạn Chiến tranh Lạnh mới.
Tiếp nối chính sách cứng rắn
Kể từ khi ông Biden nhậm chức (tháng 1/2021), các động thái của Mỹ không cho thấy dấu hiệu hòa hoãn với Trung Quốc.
Học giả Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá, Washington đang thiết lập một thực trạng bình thường mới trong quan hệ với Trung Quốc, sẽ có đối đầu và Mỹ không lùi bước.
Theo chuyên gia David Dollar đến từ Viện Brookings, giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ chủ yếu cạnh tranh với Trung Quốc và không có bằng chứng về hợp tác.
Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại ngày 4/2, Tổng thống Biden khẳng định, Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất. Mỹ sẽ đối phó với các hành động cưỡng ép kinh tế, hăm dọa của Trung Quốc".
Một tháng sau, Washington công bố “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời” xác định rõ Trung Quốc là “đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh quân sự, ngoại giao, kinh tế, công nghệ đe dọa hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”.
Với mục tiêu ngăn chặn Bắc Kinh, trong 5 tháng qua, chính quyền của Tổng thống Biden tiếp tục chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương theo 4 trụ cột sau:
Về ngoại giao, Mỹ nhấn mạnh cam kết về trật tự dựa trên luật lệ, chỉ trích hành động quyết đoán của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh, Mỹ bày tỏ quan ngại và khẳng định bác bỏ yêu sách trái luật của nước này.
Các quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia, Đô đốc Hải quân… đã nhiều lần lên tiếng về hành vi cưỡng ép của Trung Quốc, điển hình như trong vụ Đá Ba Đầu.
Gần đây nhất ngày 19/5, phát biểu tại Học viện Tuần duyên Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh luật lệ quốc tế mang tính nền tảng toàn cầu và Mỹ kiên quyết bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
| Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung tại Đông Nam Á* |
Về an ninh, Mỹ duy trì hiện diện quân sự và tăng cường răn đe với Trung Quốc. Trên thực địa, 6 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã tiến hành 3 hoạt động FONOP, nhiều hơn 2 lần so cùng kỳ thời Tổng thống Trump.
Đáng chú ý, trong tháng 2, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã diễn tập chung ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Washington triển khai đồng thời hai nhóm tàu sân bay tới Biển Đông kể từ tháng 7/2020.
Ngoài ra, hải quân Mỹ tiếp tục các hoạt động diễn tập, huấn luyện với đồng minh như Philippines, Nhật Bản, Australia…
Trong đệ trình ngân sách quốc phòng 715 tỷ USD cho năm tài khoá 2022, chính quyền của Tổng thống Biden dành 5,1 tỷ USD cho “Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương”, gấp đôi ngân sách cho năm 2021.
Về kinh tế, Mỹ thúc đẩy các sáng kiến đầu tư, đặc biệt khuyến khích vai trò tư nhân. Ước tính tới năm 2030, khu vực cần số vốn khổng lồ 26 nghìn tỷ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngày 7/6, Nhóm Điều hành “Mạng lưới Điểm Xanh” họp lần đầu tiên với sự tham dự hơn 180 đại diện từ các tổ chức tài chính, đầu tư, xây dựng toàn cầu. Đây là sáng kiến Mỹ - Nhật - Australia khởi xướng vào năm 2018 giúp đánh giá tính bền vững, minh bạch của các dự án đầu tư.
Đáng chú ý ngày 13/6, Thượng đỉnh G7 đưa ra "Sáng kiến xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W) với mục tiêu huy động hàng nghìn tỷ USD đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập trung bình và thấp.
Những sáng kiến này đem đến giải pháp cho khu vực khi đầu tư Trung Quốc thường bị cáo buộc thiếu minh bạch, bẫy nợ.
Về quản trị, Mỹ cam kết thúc đẩy các tiêu chuẩn cao, hệ giá trị dân chủ.
Từ đầu năm, Mỹ có động thái đáng chú ý như cập nhật danh sách trừng phạt kinh tế 24 quan chức Trung Quốc do vi phạm nhân quyền ở Hong Kong (ngày 17/3); lần đầu tiên cấm nhập khẩu hải sản từ 32 tàu cá Trung Quốc do sử dụng lao động cưỡng bức (ngày 28/5); trừng phạt 59 công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ với cáo buộc xâm phạm nhân quyền (ngày 3/6)...
Bên cạnh đó, Sáng kiến B3W của G7 được cho là không chỉ cạnh tranh về đầu tư với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, mà còn hướng tới phát huy các giá trị, tiêu chuẩn của phương Tây do Mỹ dẫn dắt.
Những yếu tố như minh bạch tài chính, phát triển bền vững, quản trị hiệu quả, thân thiện môi trường, bảo vệ con người… được coi là nền tảng hoạt động của B3W.
Mỹ đang siết chặt “vòng kim cô” với Trung Quốc?
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tối đa hóa nội hàm hiện có để tối ưu sức mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và năng lực răn đe Trung Quốc nói riêng.
Trước hết, Mỹ nhanh chóng củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác. Điểm khác biệt lớn nhất của chính quyền Tổng thống Biden là dựa vào đồng minh, thay vì hành động đơn phương như thời kỳ của ông Trump.
Trong phát biểu về chính sách đối ngoại ngày 4/2, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Các đồng minh là tài sản lớn nhất và Mỹ một lần nữa sát cánh cùng các đồng minh và đối tác quan trọng".
Trong tháng 3, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Đặc biệt, các nhà lãnh đạo của Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đã họp Thượng đỉnh lần đầu tiên theo đề xuất của Mỹ. Đây là cấp họp cao nhất kể từ khi nhóm này “hồi sinh”.
Đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Đây là động thái quan trọng, giúp củng cố quan hệ của Mỹ với các nước khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng.
Tin liên quan |
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu: Khác biệt trong tương đồng |
Tiếp theo, Mỹ tăng cường đội ngũ nhân sự, giúp hoạch định chính sách khu vực hiệu quả. Tổng thống Biden sớm bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell vào vị trí Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ có một chức vụ như vậy.
Đội ngũ chuyên trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do ông Campbell đứng đầu hiện có số lượng nhân lực hùng hậu nhất ở Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Trong tháng 2, ông Biden cũng thành lập Nhóm đặc trách về Trung Quốc ở Lầu Năm Góc. Chỉ thị mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin về tăng cường năng lực cạnh tranh với Trung Quốc là kết quả khuyến nghị của nhóm trên với 15 thành viên.
Điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell ngày 26/5 khẳng định, giai đoạn can dự đã kết thúc và Mỹ sẽ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế hiện nay không rõ Mỹ sẽ niệm chú “kim cô” thế nào, nhưng Trung Quốc nhiều khả năng có phản ứng quyết liệt.
Ngay sau Thông cáo chung của Thượng đỉnh G7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh tuyên bố, “Thời kỳ một nhóm nhỏ các nước quyết định vấn đề thế giới không còn nữa. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình”.
| Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 'châm ngòi đối đầu' Ngày 3/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm ... |
| Nhật Bản-Australia: Khi cường quốc tầm trung tìm đến nhau Các động thái gần đây trong quan hệ Nhật Bản-Australia, dù là mối quan hệ “gần như liên minh” hay liên minh thực thụ, đều ... |