Sức nóng gia tăng
Đến nay, chiến lược của Madrid để đối phó với nỗ lực ly khai của Catalonia triển khai theo 3 phần. Phần thứ nhất bao gồm áp đặt sức ép về pháp lý và kinh tế với chính quyền vùng. Madrid đã đưa mọi quyết định ly khai của chính quyền Catalonia lên Tòa án Hiến pháp.
Người dân Catalonia biểu tình đòi độc lập. (Nguồn: AP) |
Tòa án sau đó đã tuyên bố các quyết định này là trái pháp luật. Tòa án Tây Ban Nha đã bắt đầu tiến hành điều tra để xem liệu có xảy ra hành vi phạm tội nào trong quá trình tổ chức trưng cầu ý dân hay không và nhiều thành viên trong chính quyền Catalonia và các thị trưởng của vùng này, những người đề xuất giúp đỡ tổ chức bỏ phiếu, đã bị triệu tập để giải trình trước các công tố viên. Madrid cũng tăng cường kiểm soát cách chi tiêu của Catalonia. Theo Bộ Tài chính Tây Ban Nha, mục tiêu ở đây là đảm bảo chính quyền vùng không sử dụng công quỹ vào việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Phần thứ hai trong chiến lược của Madrid là chính trị. Chính phủ Tây Ban Nha đã nhận được sự trợ giúp từ hai đảng đối lập lớn là đảng trung tả Xã hội (PSOE) và đảng trung dung Ciudadanos. Cả hai đảng này đều cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân là bất hợp pháp và không thể diễn ra. Đảng cánh tả Podemos là chính đảng lớn duy nhất ở Tây Ban Nha chỉ trích quan điểm của chính phủ về vùng Catalunya và ủng hộ các cuộc đàm phán để tiến tới cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp tại khu vực này.
Phần thứ ba trong chiến lược của Madrid là cản trở hoạt động hậu cần của cuộc trưng cầu ý dân. Trong những ngày gần đây, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến vào các văn phòng chính quyền Catalunya, tìm kiếm các tài liệu có liên quan đến cuộc trưng cầu nói trên. Chính phủ Tây Ban Nha đã ra lệnh bưu điện quốc gia không được phân phối bất kỳ tài liệu nào liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân và các công ty chuyển phát nhanh tư nhân cũng bị rà soát. Thêm vào đó, Madrid đã chặn một số trang mạng có liên hệ tới cuộc trưng cầu này.
Sau ngày bỏ phiếu...
Thách thức thực sự đối với Madrid và Barcelona chỉ bắt đầu sau ngày trưng cầu ý dân. Thậm chí nếu cuộc bỏ phiếu bị ngăn chặn, làn sóng ly khai ở Catalonia sẽ không sớm biến mất. Bắt đầu từ ngày 2/10, chính quyền vùng Catalonia sẽ đối mặt với rất ít sự lựa chọn. Họ có thể đơn phương tuyên bố độc lập, nhưng điều này có thể buộc Madrid đình chỉ quyền tự trị của Catalonia và giải tán chính quyền vùng.
Chính quyền Catalonia cũng có thể từ chức và kêu gọi bầu cử sớm, hy vọng giành được sự ủy thác lớn hơn từ người dân để đòi độc lập. Điều này sẽ chỉ khiến tiếp tục xung đột và dẫn đến một giai đoạn bất ổn chính trị và pháp lý khác. Cuối cùng, chính quyền vùng Catalonia có thể sẽ vẫn ở lại và tìm cách thỏa hiệp với Madrid về tương lai của khu vực này. Điều này có thể tạo ra rạn nứt trong chính quyền vùng Catalonia, bởi các nhóm ly khai cực đoan nhất có thể từ chối trở lại bàn đàm phán. Bất luận thế nào, vấn đề độc lập sẽ tiếp tục chi phối bối cảnh chính trị của Catalonia và định hình quan hệ với Madrid trong tương lai gần.
Thách thức thực sự đối với Madrid và Barcelona chỉ bắt đầu sau ngày trưng cầu ý dân. (Nguồn: AP) |
Đối với Madrid, các lựa chọn của họ đều rất khó khăn. Một lựa chọn ở đây sẽ là cho phép tổ chức cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp và đàm phán về các điều khoản của cuộc bỏ phiếu này với Barcelona (như tỷ lệ đi bầu tối thiểu hay kết quả đa số ra sao để giành độc lập). Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hầu hết người dân Catalonia, dù quan điểm của họ về độc lập ra sao, đều muốn có cơ hội được bỏ phiếu về tương lai của họ. Tuy nhiên, chính phủ trung ương khó có khả năng cho phép cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp bởi các vùng khác với làn sóng ly khai lớn mạnh, như xứ Basque, có thể đòi hỏi tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân của riêng họ.
Lựa chọn thứ hai sẽ là sửa đổi Hiến pháp Tây Ban Nha và áp dụng hệ thống liên bang mà ở đó các vùng sẽ có quyền tự trị lớn hơn, đặc biệt trong việc quản lý thuế. Một trong các lập luận chính của những người chủ trương ly khai ở Catalonia đó là họ phải đóng nhiều khoản thuế hơn những gì họ nhận được và rằng các chính sách chi tiêu của Madrid là không công bằng.
Lựa chọn thứ ba sẽ là trao quyền kiểm soát thuế nhiều hơn cho vùng Catalonia. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy biện pháp thay thế này sẽ được đón nhận nồng nhiệt bởi các bộ phận trong xã hội Catalonia. Hơn nữa, thực tế này đang tồn tại trong trật tự pháp lý của Tây Ban Nha; xứ Basque hiện được hưởng mức độ tự chủ tài chính khá cao. Tuy nhiên, xứ Basque chỉ đóng góp chưa đầy 10% cho nền kinh tế Tây Ban Nha, trong khi Catalonia chiếm tới 20%. Việc trao quyền tự chủ tài chính hoàn toàn cho Catalonia sẽ khiến nhà nước trung ương mất đi khoản tiền quan trọng. Bên cạnh đó, các vùng nghèo hơn sẽ biểu tình phản đối, bởi khoản tiền phân phối cho cả nước sẽ ít đi.
Trước các vấn đề này, chiến lược của Madrid để đối phó với câu hỏi của Catalonia sẽ là sự kết hợp của các hành động cụ thể và các hứa hẹn cải cách mơ hồ. Một mặt, Madrid sẽ đề xuất tăng đầu tư công và nguồn tài chính cho Catalonia. Các đề xuất này đôi lúc đã được đưa ra thảo luận và rất nhiều trong số đó sẽ được hiện thực hóa. Mặt khác, Madrid sẽ xem xét thảo luận về các cải cách thể chế và pháp lý sâu hơn với các đảng đối lập, nhưng tiến trình có thể sẽ rất chậm chạp.
Catalonia khó có thể tách khỏi Tây Ban Nha trong ngắn hạn, nhưng làn sóng đòi quyền độc lập sẽ không sớm mất đi. Đến nay, chiến lược của Madrid vẫn tập trung vào việc cản trở cuộc bỏ phiếu vào ngày 1/10 tới. Tuy nhiên, họ sẽ buộc phải phát triển một chiến lược dài hơi hơn cho khu vực ly khai này.