Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái do đồng nội tệ trượt giá trầm trọng, người dân Iran càng lo ngại khi không chắc cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ với Mỹ sẽ tiếp tục đi theo chiều hướng nào, hay chiến lược dài hạn của Washington đối với Tehran chính xác là gì.
Cương quyết siết chặt các đòn trừng phạt
Ít nhất, ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn đang kiên định với chiến lược gây càng nhiều sức ép về kinh tế và ngoại giao với Iran càng tốt, dù không rõ điều này sẽ đẩy tình hình tới đâu và liệu nó có làm gia tăng hơn nữa nguy cơ xung đột hay không. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ tháng 5/2018 và khôi phục “áp lực tối đa” đối với hầu hết các lĩnh vực kinh tế của Iran từ sau ngày 6/8.
Mỹ vẫn đang kiên định với chiến lược gây càng nhiều sức ép về kinh tế và ngoại giao với Iran càng tốt. (Nguồn: Dailystar) |
Ngành năng lượng Iran sẽ hứng chịu các đòn trừng phạt mới từ ngày 4/11. Từ 4 giờ 01 phút (GMT) ngày 7/8, Chính phủ của Iran sẽ không thể mua các đồng tiền Mỹ và các đòn trừng phạt quy mô sẽ được áp cho các ngành công nghiệp của Iran, kể cả xuất khẩu thảm. Ngày 5/8, trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên về khả năng Iran tránh được các đòn trừng phạt này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ sẽ “cương quyết siết chặt các đòn trừng phạt”, đồng thời nhấn mạnh việc gia tăng áp lực là nhằm “phản đối các hành vi xấu xa của Iran”. Ông nói với báo giới rằng, Chúng tôi làm điều này để phản ánh sự bất bình của người dân Iran với chính chính phủ của họ, Tổng thống Trump đã rất rõ ràng, chúng tôi muốn người dân Iran có quyền quyết định việc giới lãnh đạo của họ phải hành xử như thế nào”.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng liên tục có các tuyên bố cứng rắn, Tổng thống Trump đã khiến giới quan sát hết sức bất ngờ khi tuyên bố hồi tuần trước rằng ông sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani “bất cứ lúc nào” và không kèm các điều kiện tiên quyết. Tuyên bố “lật mặt” này, một tuyên bố được chính Ngoại trưởng Pompeo sau đó phải lên tiếng để trấn an dư luận, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trump và nhà lãnh đạo Iran có cuộc khẩu chiến gay gắt.
Đề xuất về cuộc đối thoại với Tổng thống Iran được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Pompeo được cho là ngầm ủng hộ một sự thay đổi chế độ tại nước cộng hòa Hồi giáo với tuyên bố trước các đại biểu là người Iran ở nước ngoài trong một sự kiện tại California rằng, chế độ Tehran là một “cơn ác mộng”.
Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump John Bolton nổi tiếng là một người có quan điểm khá cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên và luôn ủng hộ việc thay đổi chế độ tại Iran. Suzanne Maloney, Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách đối ngoại của Viện Brookings, nói: “Đối với Bolton và những người khác, áp lực là một mục tiêu chính đáng để loại bỏ chế độ này”, còn đối với chính quyền Mỹ, “nếu các đòn trừng phạt có thể buộc Iran nhượng bộ thì rất tốt, còn nếu chúng dẫn đến một sự thay đổi chế độ thì mọi chuyện càng tốt hơn”.
Và Tuyên bố “lật mặt”?
Chiến dịch gây áp lực của Trump có vẻ như đã có những kết quả nhất định. Lấy ví dụ, trong vài năm trở lại đây, giới chức Mỹ đã nhiều lần cáo buộc hải quân Iran và cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRG) thường xuyên tấn công và đe dọa tàu biển của Mỹ hoạt động ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều quan chức quân sự ngạc nhiên là chưa có bất kỳ ghi nhận nào về các vụ việc tương tự.
Tổng thống Trump khiến giới quan sát hết sức bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani bất cứ lúc nào. (Nguồn: Getty) |
Mark Dubowitz, Giám đốc điều hành Quỹ Quốc phòng Dân chủ, một viện nghiên cứu chính sách của Washington từng vận động hành lang cho việc tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran cho rằng, nếu Iran thấy “Mỹ cứng rắn thì họ sẽ chùn lại, nếu họ thấy Mỹ nhân nhượng thì họ sẽ dấn tới – và giờ thì họ thấy rằng Mỹ đang rất cứng rắn”. Theo ông Dubowitz, những tuyên bố và lập trường của Tổng thống Trump đối với Iran thực chất lại làm giảm nguy cơ leo thang xung đột. Ông nói: “Trump cho rằng, nếu ông ấy cứng rắn, sức mạnh quân sự của Mỹ càng trở nên có uy hơn”.
Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Rouhani đều sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York trong tháng tới. Chưa rõ liệu hai bên có tiến hành một cuộc gặp bên lề hay không. Cuối tuần qua, Tổng thống Trump một lần nữa lại nhắc đến khả năng gặp nhà lãnh đạo của Iran trong một bình luận trên trang Twitter cá nhân.
Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng nói rằng, Mỹ hiện không có bất kỳ chính sách nào có mục tiêu thúc đẩy sự sụp đổ hay thay đổi chế độ Iran. Trao đổi với báo giới Lầu Năm Góc, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần họ thay đổi cách hành xử trong một loạt mối đe dọa mà họ có thể làm với lực lượng quân sự, với các hoạt động tình báo và với các lực lượng ủy nhiệm của họ”.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng chính sách hiện hành của Mỹ đối với Iran có thể đem đến một số kết quả nhất định. Áp lực về mặt ngoại giao và các đòn trừng phạt kinh tế có thể gây ra đủ sức ép đối với chế độ Iran và buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán, điều mà Tổng thống Trump hết sức ủng hộ.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Iran có thể tồi tệ tới mức các cuộc biểu tình quy mô lớn khiến chế độ khó có thể bám trụ quyền lực, dù những áp lực về kinh tế cũng có thể làm gia tăng tâm lý bài Mỹ và kêu gọi cứng rắn hơn với Washington.
Tehran cũng có thể sẽ bắt đầu giải quyết những gì mà Mỹ gọi là “ảnh hưởng tồi tệ” của Iran trong khu vực, bao gồm những hỗ trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad và đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz chiến lược, tuyến đường quan trọng với nguồn cung dầu mỏ quốc tế. Ông Dubowitz nói: “Tôi nghĩ rằng, Chính quyền Trump sẽ rất hài lòng với bất kỳ kết quả nào ở trên”.