📞

Chiến lược xuất khẩu thuỷ sản đến 2020: Chấp nhận cạnh tranh, nâng cao uy tín

07:59 | 19/06/2011
Chỉ tiêu xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2015 là 6,5 - 7,5 tỷ USD và đến năm 2020 là 8 tỷ USD đã được Thủ tướng phê duyệt trong Chiến lược Phát triển thuỷ sản đến năm 2020. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Vũ Văn Tám, vẫn còn quá nhiều việc cần phải làm.
Một số nhuyễn thể, trong đó con ngao đang rất có tiềm năng để phát triển ở Việt Nam.

Thưa ông, thách thức lớn nhất đối với Chiến lược phát triển này là gì?

Thứ nhất, sự gắn kết giữa lĩnh vực chế biến xuất khẩu với lĩnh vực sản xuất nguyên liệu chưa được tốt, hiện nay đã có mô hình và đã có hướng ra nhưng để trở thành đại trà thì vẫn còn yếu. Thứ hai, thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại ở các thị trường xuất khẩu, kể cả ở các thị trường chính, những sản phẩm chủ lực của chúng ta như cá tra, tôm… thời gian qua dù đã làm tương đối tốt nhưng người tiêu dùng tại các thị trường này còn ít người biết, chưa đạt được như mong muốn. Chính vì chưa làm tốt khâu tuyên truyền, quảng bá nên đã không có những thông tin kịp thời, chính thống.

Hiện nay giá trị gia tăng trong sản phẩm vẫn còn thấp, bản thân doanh nghiệp cũng thừa nhận lợi nhuận không thực sự cao như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Có thể nói, vừa qua chúng ta xuất khẩu với kim ngạch trên 5 tỉ USD đối với thuỷ sản, tôi cho rằng đây là một thành công lớn, nhưng chính đây lại là mặt tồn tại, vì hiện nay chúng ta mới xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu và sơ chế, còn sản phẩm chế biến sâu, mang thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam thì lại chưa làm tốt. Đây cũng là hướng mà trong thời gian tới cần phải tập trung vào để có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Còn việc tại sao chúng ta chưa làm được thì có rất nhiều nguyên nhân, cái quan trọng nhất là khả năng tiếp thị, khả năng đầu tư công nghệ hiện đại, quảng bá thương hiệu chưa được tốt. Đây là hướng ra cho xuất khẩu thuỷ sản trong thời gian tới.

Mục tiêu đến năm 2020 ngành xuất khẩu chế biến thuỷ sản của Việt Nam sẽ có thương hiệu mạnh và uy tín trên thị trường trong nước và thế giới, giá trị xuất khẩu đạt mức 8 tỉ USD. Như vậy con gì sẽ là đầu tàu trong giai đoạn này?

Trong hai lĩnh vực nuôi và khai thác, thì nuôi sẽ là trọng tâm. Trong lĩnh vực nuôi thì vẫn xác định tôm, cá tra là hai sản phẩm chủ lực, tiếp theo đó là nhuyễn thể, trong đó con ngao đang rất có tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Hiện nay một số nhuyễn thể nuôi ở biển như hầu Thái Bình Dương đang rất được quan tâm. Sản phẩm thứ tư trong khai thác là cá ngừ. Ngoài ra, còn một số sản phẩm khác rất có tiềm năng phát triển được như cá cảnh, rong biển, cá rô phi… sẽ được tập trung phát triển trong tương lai.

An toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm... luôn là những vấn đề lớn. Vậy chúng ta đã có phương án gì nhằm khắc phục tình trạng này để có thể đạt được 8 tỉ USD xuất khẩu thuỷ sản vào năm 2020?

Việc sản phẩm thuỷ sản của chúng ta xuất khẩu luôn gặp phải rào cản, thậm chí bôi nhọ, thì trước hết theo tôi đây là điều rất đáng tự hào về khả năng cạnh tranh rất mạnh về sản phẩm thuỷ sản của chúng ta mà các đối thủ khác luôn tìm cách ngăn cản. Nếu sản phẩm của Việt Nam không có khả năng cạnh tranh, sản phẩm không tốt thì sẽ không có ai quan tâm, ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam cũng cần làm quen với việc cạnh tranh khi đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Chúng ta đã tham gia vào "chợ" của thế giới thì bắt buộc chấp nhận có sự cạnh tranh, việc cạnh tranh này là hết sức bình thường.

Chỉ không bình thường nếu sản phẩm tốt bị bôi nhọ, xuyên tạc mà không làm cách nào để khách hàng hiểu đúng hơn về hàng hoá của mình. Những sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra…nếu muốn khẳng định được thương hiệu và khả năng cạnh tranh, trước hết phải làm thật kiên quyết chống lại những hành vi bơm chích tạp chất và những hành vi giả dối khác làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng thuỷ sản Việt Nam. Cho nên, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh, ngăn chặn, giảm thiểu và đi đến chấm dứt hành vi mang tính chất tiêu cực này.

Theo ông, hai chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020, về giá trị xuất khẩu với hai mặt hàng chiến lược là cá tra và tôm thế nào?

Đây là chương trình xuất khẩu thuỷ sản, có nghĩa là một trong nhiều chương trình mang tính chất giải pháp để thực hiện chiến lược này. Do đó, chúng ta sẽ không bàn chỉ tiêu cao hay thấp, mà chủ yếu bàn về giải pháp thực hiện. Tôi tin rằng chỉ tiêu này có căn cứ khoa học, có cơ sở thực tiến, hoàn toàn có thể đạt và vượt được nếu có những giải pháp tốt.

Phan Anh (thực hiện)