Nguy cơ về một cuộc chiến hạt nhân vẫn hiển hiện dù Mỹ và Nga đã nhất trí cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược. Song, Ấn Độ và Pakistan lại không có ý định học tập hai siêu cường trên và bế tắc kéo dài giữa New Delhi và Islamabad có thể dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho toàn cầu.
Xung đột giữa New Delhi và Isalamabad đã kéo dài hơn 60 năm. Sự đối đầu giữa hai nước trở nên đặc biệt nguy hiểm sau năm 1998, khi cả Ấn Độ và Pakistan đều tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm hạt nhân và chứng tỏ cho thế giới thấy khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của mình.
Ấn Độ chưa bao giờ che giấu ý định sở hữu vũ khí hạt nhân. Học thuyết hạt nhân của nước này được phê chuẩn năm 2001. Điều đáng nói ở đây là New Delhi chưa bao giờ tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Chính phủ Ấn Độ tin rằng, họ có đầy đủ quyền sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh.
Theo học thuyết hạt nhân, kho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ sẽ gồm loại trên không, trên bộ và ở biển. Không lực Ấn Độ đã có máy bay có khả năng mang bom hạt nhân là Mirage-2000, MiG-27 và Jaguar. Quốc gia này cũng có tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất. Hiện thời, Ấn Độ chưa có tàu ngầm hạt nhân nhưng điều này có thể trở thành hiện thực rất sớm.
Pakistan có thể là kẻ thù tiềm năng số 1 đối với Ấn Độ. Trung Quốc cũng có thể là mối đe doạ đối với một trong những quốc gia đông dân nhất châu Á này. Chương trình hạt nhân những năm 1960 của Ấn Độ là phản ứng của nước này với việc bị thua Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới năm 1962.
Vài chục đầu đạn hạt nhân sẽ đủ để Ấn Độ kiềm chế Pakistan. Trong trường hợp Pakistan mở một cuộc tấn công lớn nhằm vào lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ, nước này cũng sẽ không thể tiêu diệt phần lớn số vũ khí hạt nhân chiến lược của nước láng giềng. Ngược lại, nếu Ấn Độ trả đũa với việc dùng 15-20 quả bom hạt nhân thì Pakistan có thể chịu những tổn thất lớn hơn rất nhiều. Diện tích Pakistan nhỏ hơn Ấn Độ.
Hiện thời, Ấn Độ có 115 quả bom hạt nhân. Khoảng 80 đầu đạn sẽ đủ để phá huỷ toàn bộ Pakistan. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ không thể tấn công Trung Quốc, nước có 410 đầu đạn hạt nhân, và thay vào đó, New Delhi sẽ tìm cách tăng cường khả năng hạt nhân.
Không giống Ấn Độ, Pakistan không có học thuyết hạt nhân được ghi thành văn bản rõ ràng. Ngoài ra, nước này cũng không công bố chính thức các chi tiết cũng như cơ cấu lực lượng hạt nhân. Phát ngôn viên nhà chức trách Pakistan cho biết, việc nước này có phát triển lực lượng hạt nhân hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Chính phủ Ấn Độ.
Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân như một phương tiện bảo vệ khỏi một cuộc tấn công có thể bắt nguồn từ Ấn Độ. Ngoài ra, Pakistan muốn giảm ưu thế của Ấn Độ trong các loại vũ khí khác. Pakistan có cơ hội chế tạo 40 tới 45 đầu đạn hạt nhân và nước này cũng có cả tên lửa đạn đạo.
Một cuộc chiến hạt nhân ở Nam Á nếu bùng phát sẽ gây ra hậu quả toàn cầu. Dân số Ấn Độ và Pakistan tổng cộng hơn một tỷ người trong khi hai nước không có biện pháp bảo vệ nào nhằm chống lại tấn công hạt nhân. Thậm chí là chỉ một vụ nổ hạt nhân nhỏ cũng khiến hàng triệu người chết và gây ra thảm hoạ nhân đạo.
Theo VietNamNet