Ảnh minh họa |
Cảnh báo này cũng trùng với giả thiết mà cựu Cố vấn An ninh Nhà Trắng Richard Clarke đưa ra trong cuốn Chiến tranh mạng, trong đó ông vẽ nên một viễn cảnh nước Mỹ với một loạt các sự cố ở tàu điện ngầm, máy bay và hàng nghìn người thiệt mạng. Đô đốc về hưu và Giám đốc Tình báo Quốc gia thời Chính quyền Bush Mike McConnell thì cho rằng, Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh mạng.
Có lẽ chính vì nguy cơ này mà trong khi phương Tây đang phải cắt giảm chi ngân sách, khoản chi cho an ninh mạng vẫn lớn. Bộ Quốc phòng và An ninh Nội địa Mỹ sẽ chi cho an ninh mạng đến năm 2015 vào khoảng 10,5 tỉ USD. Ban chỉ huy mạng mới của Lầu Năm góc sẽ có đội ngũ khoảng 10.000 nhân viên và theo Giám đốc điều hành Northrop Kent Scheneider, thị trường vũ khí mạng và an ninh mạng tại Mỹ là khoảng 100 tỉ USD. Tháng 12/2011, Lục quân Mỹ thông báo "đơn vị mạng" đầu tiên của họ đã đi vào hoạt động trong khi Hải quân và Không quân Mỹ cũng đã có "hạm đội" và "phi đội" mạng riêng. Đó là những đơn vị không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ những hệ thống và mạng lưới quân đội chủ yếu của Mỹ mà còn tham gia xây dựng kỹ năng chiến đấu mà các tư lệnh Mỹ hy vọng sẽ tạo lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.
Không chỉ Mỹ, các nước Châu Âu, Mỹ Latinh, Châu Á và Trung Đông cũng đang nối gót Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh mạng. Quân đội các nước, mà chỉ mới vài năm trước còn gần như không để ý tới Internet, nay đang xây dựng các trung tâm máy tính mới và đào tạo cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quân nhân. Trung Quốc và Nga được cho là còn quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực này với hy vọng đối trọng với ưu thế của Mỹ về quân sự truyền thống.
Nhưng liệu cuộc chiến mạng có thực sự là mối đe dọa? Nhiều chuyên gia cho rằng viễn cảnh “thế giới chấm dứt” do Clarke vẽ ra chỉ là tưởng tượng, bởi kẻ thù không thể khiến cả hệ thống điện của Mỹ bị ngắt, vì nếu muốn, chúng phải phá hỏng hơn 100 hệ thống riêng rẽ trên toàn nước Mỹ. Hầu hết các thể chế tài chính cũng được bảo vệ. Peter Sommer, tác giả cuốn Nguy cơ an ninh mạng giảm cho rằng nguy cơ tấn công mạng với các ngân hàng là điều “vô nghĩa”. Trong khi đó, tờ New York Times cho biết, Mỹ và Isreal đã từng tạo ra virus “Stuxnet” xâm nhập vào 30.000 máy tính của Iran và đẩy lùi chương trình hạt nhân nước này. Virus cũng đã xuất hiện tại Trung Quốc, Pakistan và Indonesia. Nói về chiến tranh mạng, Mỹ đang đi trước, chứ không phải đi sau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người Mỹ đang phụ thuộc vào máy tính, điện thoại di động, điện thoại thông minh, bất kỳ ám chỉ nào về việc ngắt các thiết bị này cũng sẽ gây được chú ý. Còn theo Giáo sư Dick Crowell ở một Học viện Quân sự Mỹ, chiến tranh mạng là một hình thức chiến tranh mới và cần phải được tìm hiểu kỹ. Hiểu về chiến tranh mạng cũng giống như hiểu về sức mạnh của không quân những năm 1930, rõ ràng quan trọng với bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.
Lâm An